Tạo điều kiện cho lao động thất nghiệp TP.HCM tiếp cận gói 26.000 tỉ đồng tại Đắk Lắk (02/08/2021, 14:11)

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, những người lao động thất nghiệp ở TP.HCM và các địa phương khác khi trở về tỉnh Đắk Lắk vẫn được nhận tiền hỗ trợ gói 26.000 tỉ đồng. Mỗi trường hợp đủ điều kiện (thuộc các nhóm đối tượng như quy định - PV) đăng ký nhận hỗ trợ được nhận tiền duy nhất 1 lần.

Trung tâm DLVL tỉnh tư vấn cho người lao động

Anh Hồ Minh Cường (huyện Ea H'Leo, tỉnh Đắk Lắk) tâm sự: "Tôi làm kỹ sư xây dựng ở TP.HCM nhưng thời gian qua doanh nghiệp chủ quản phải tạm dừng hoạt động do diễn phức tạp của dịch COVID-19. Ít ngày trước, tôi phải chạy xe máy từ TP.HCM về Đắk Lắk với vợ con. Trước khi về, tôi đã đi xét nghiệm và đã cho kết quả âm tính. Sau khi làm thủ tục khai báo ở các chốt kiểm soát theo yêu cầu của cơ quan chức năng thì tôi trở về huyện Ea H'Leo kết hợp khai báo thêm với Trung tâm y tế và cách ly tại nhà thêm 14 ngày.

Tuy nhiên, hiện nay TP.HCM đang lên kế hoạch chi trả tiền gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng nhưng cá nhân tôi đã trở về nhà và hiển nhiên không nhận được chi phí. Tôi đang băn khoăn rằng bản thân có được đăng ký nhận hỗ trợ ở Đắk Lắk hay không. Bởi, tôi có hợp đồng ký kết với doanh nghiệp và được đóng BHXH đầy đủ trong một thời gian dài".

Trước thông tin trên, đại diện Phòng Lao động, Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk) cho hay, người lao động làm việc ở TP.HCM hay các địa phương khác khi trở về nhà ở Đắk Lắk vẫn được đăng ký, làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ ở địa phương nếu chưa nhận ở các tỉnh, thành trước đó công tác. Trường hợp người lao động bị mất việc làm có giao kết hợp đồng lao động; người lao động bị ngừng việc không hưởng lương hay chấm dứt hợp đồng lao động đều được đăng ký nhận hỗ trợ nếu đóng BHXH đủ 12 tháng.

Siêu thị di động 0 đồng hỗ trợ thực phẩm cho người dân gặp khó khăn do đại dịch

Những nhóm đối tượng này sẽ đến đăng ký, làm thủ tục tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk hoặc các văn phòng khác của đơn vị này.

Kinh phí triển khai chương trình này được lấy từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho người sử dụng lao động vay theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP là nguồn vay tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ngoài ra, nguồn kinh phí hỗ trợ các đối tượng còn lại là từ ngân sách Trung ương hỗ trợ; nguồn dự phòng ngân sách (bao gồm cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã); quỹ dự trữ tài chính địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư và các nguồn tài chính hợp pháp khác.

Cùng ngày, ông Nguyễn Đình Trung - Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk - cho hay, sau khi có công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Đắk Lắk tạm dừng kế hoạch ban đầu đón công dân từ TP.HCM về quê để tiếp tục họp bàn kỹ lưỡng hơn.

Trước đó, trong 2 ngày 29 và 30.7, gần 2.000 công nhân, người lao động được tỉnh Đồng Nai hộ tống về bàn giao cho tỉnh Đắk Lắk.

Theo kế hoạch dự kiến UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ chi tiền hỗ trợ cho các nhóm đối tượng gồm người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; người lao động ngừng việc;

* Về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng

Ngày 31-7, UBND tỉnh có Quyết định số 2063/QĐ-UBND về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng (gọi là lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Theo đó, lao động tự do được hỗ trợ khi đủ các điều kiện: mất việc và không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020; cư trú hợp pháp tại địa phương; thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp (làm các công việc: bán hàng rong; buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán vé số lưu động; sửa xe; làm trong các nhà hàng, quán ăn; làm việc tại các cơ sở lưu trú du lịch…).

Mức hỗ trợ là 50.000 đồng/người/ngày, căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động các ngành nghề, công việc theo quyết định, văn bản của UBND tỉnh hoặc UBND huyện, thị xã, thành phố để phòng, chống dịch COVID-19, số ngày hỗ trợ không quá 30 ngày.

Việc hỗ trợ phải bảo đảm nguyên tắc kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để trục lợi, lợi dụng chính sách. Mỗi trường hợp chỉ được hưởng chính sách “Hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng” 1 lần. Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước theo phân cấp hiện hành quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và nguồn huy động khác.

 

Kim Bảo

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - P.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready