Sáng 2/8, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dẫn đầu Đoàn công tác của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng làm việc tại vùng Tây Nguyên.
Tham dự hội nghị còn có thành viên Tiểu ban Kinh tế- Xã hội, đại diện lãnh đạo Bộ, ban ngành liên quan, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND 5 tỉnh Tây Nguyên.
Về phía tỉnh Đắk Lắk có các đồng chí: Nguyễn Đình Trung – Bí thư Tỉnh ủy; Huỳnh Thị Chiến Hòa –Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở, ngành liên quan.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các địa phương; chia sẻ những kinh nghiệm, bài học hay trong phát triển kinh tế-xã hội; nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển và đề xuất, kiến nghị với Trung ương.
Các địa phương cũng đánh giá cao cách tiếp cận của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội khi có các cuộc làm việc trực tiếp với các địa phương thay vì tổng hợp tình hình thực hiện các Nghị quyết của Trung ương bằng văn bản.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các địa phương vùng Tây Nguyên cũng phản ánh những nút thắt đang làm cản trở quá trình phát triển, nhất là kết nối hạ tầng nội vùng với các trung tâm kinh tế còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực còn bất cập dẫn đến khó thu hút đầu tư; tiềm năng lợi thế rừng chưa được khai thác hiệu quả để tạo sinh kế cho người dân sống và làm giàu từ rừng; chất lượng chăm sóc y tế còn nhiều bất cập, công tác bảo vệ và phát huy giá trị văn hoá Tây Nguyên chưa được quan tâm đúng mức.Vướng mắc về quy hoạch bauxite đang làm cản trở việc triển khai các dự án đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia, tại Lâm Đồng và Đắk Nông. Các tỉnh vùng Tây Nguyên đề xuất kiểm kê lại rừng khu vực Tây Nguyên để xác định rõ thực trạng của rừng, làm cơ sở cho việc bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc.
Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, thành viên Thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chủ trì Hội nghị.
Đối với việc phát triển nguồn nhân lực, các tỉnh vùng Tây Nguyên kiến nghị Trung ương tăng cường số lượng, cơ sở vật chất, giáo viên đối với các trường nội trú ở cấp huyện và trường đào tạo nghề; có chính sách mạnh hơn nữa từ khâu đào tạo, tuyển dụng cán bộ, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ là người dân tộc.
Các địa phương cũng kiến nghị Trung ương phân cấp cho địa phương trong việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch tỉnh, thẩm định dự án phát triển kinh tế; quan tâm đầu tư bảo tồn văn hoá các dân tộc Tây Nguyên để văn hoá thực sự trở thành nguồn lực cho phát triển bền vững; quan tâm hơn nữa đối với cán bộ cấp cơ sở.
Đại diện các bộ, ngành Trung ương phải hồi bước đầu về những ý kiến, kiến nghị của địa phương; cập nhật về tình hình sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định về chỉ tiêu sử dụng đất, quy hoạch bauxite, cấp đất ở và đất sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số, in sách giáo khoa cho học sinh dân tộc thiểu số.
Đại diện một số bộ, ngành cũng cập nhật thông tin về định hướng phát triển y tế, bảo vệ và phát huy giá trị văn hoá Tây Nguyên, điều tra dân số dân tộc thiểu số, đồng thời gợi mở những động lực mới để Tây Nguyên phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Đồng chí Nguyễn Đình Trung – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk phát biểu tại buổi làm việc
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, trong giai đoạn 2021-2023, Tây Nguyên cùng với Đồng bằng Sông Hồng là 2 vùng có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước: Vùng Tây Nguyên (7,1%/năm), Vùng Đồng bằng sông Hồng (7,3%/năm); cao hơn nhiều các vùng khác (Vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung tăng 6,8%/năm; Vùng Trung du, miền núi phía Bắc tăng 6,5%/năm; Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 5,0%/năm và vùng Đông Nam Bộ thấp nhất, đạt 3,5%/năm.
Tây Nguyên là vùng duy nhất đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng an ninh các vùng (Theo Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, mục tiêu tăng trưởng của vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030 là 7-7,5%/năm).
Ngoài ra, trong giai đoạn 2021-2023, hầu hết các địa phương trong vùng đều tăng bình quân hơn 7%/năm (Kon Tum và Đăk Nông: 7,8%; Gia Lai: 7,1%; Đăk Lăk: 7,0%); chỉ riêng Lâm Đồng (tăng 6,8%) dưới 7%.
Trong 3 khối ngành, ngành công nghiệp tăng 14% (Trong đó: Sản xuất và phân phối điện tăng 18,3%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,6%), ngành nông nghiệp tăng 5,7%, khu vực dịch vụ tăng 6,6% (Trong đó: Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng rất cao 20,1%). Nhìn chung các ngành mà Tây Nguyên có lợi thế đều tăng trưởng cao như công nghiệp năng lượng, nông nghiệp.
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, các tỉnh Tây Nguyên đang đối mặt với khó khăn, hạn chế như : Trình độ phát triển kinh tế và mức sống nhân dân của vùng còn thấp, GRDP bình quân đầu người của Vùng năm 2023 đạt gần 67 triệu đồng, thấp nhất cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mật độ đường giao thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2023 của Vùng đạt 18,2%, chỉ cao hơn vùng đồng bằng sông Cửu Long...
Đồng chí Phạm Ngọc Nghị -Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk tham gia ý kiến đề xuất với Tiểu ban
Đề xuất mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2025-203, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, mục tiêu tăng trưởng của vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030 là 7-7,5%. Trong giai đoạn 2021-2023, vùng đạt 7,12%/năm, đạt mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 23; dự kiến giai đoạn 2026-2030 kinh tế cả vùng cần tăng trưởng ở mức 7-7,7%/năm. Nếu vùng Tây Nguyên giữ mức tăng trưởng hiện nay cho đến năm 2030 thì sẽ đạt mục tiêu đề ra, nhưng vùng cần có tốc độ tăng trưởng cao hơn để thu hẹp dần khoảng cách phát triển với các vùng khác và có đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng chung của cả nước.
Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan gợi mở không gian phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên
Lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum đề xuất với Tiểu ban Kinh tế -xã hội Đại hội lần thứ XIV của Đảng
Về định hướng phát triển một số ngành, lĩnh vực trên địa bàn vùng Tây Nguyên, Bộ KH&ĐT gợi mở, cần tập trung nguồn lực và có chính sách trọng tâm, trọng điểm để phát triển các ngành có lợi thế. Đối với Tây Nguyên là nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến nông sản, năng lượng tái tạo, công nghiệp khai thác và chế biến bôxit, alumin, nhôm... Khuyến khích hình thành các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả cao gắn với chế biến, hình thành chuỗi giá trị nông sản để tận dụng cơ hội xuất khẩu. Chú trọng đến bảo vệ môi trường, trong đó đặc biệt là bảo vệ nguồn nước, bảo vệ rừng và đa dạng sinh học của vùng. Tập trung hoàn thành đúng tiến độ các tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Quy Nhơn - Pleiku - Lệ Thanh, Dầu Giây - Liên Khương, Chơn Thành - Gia Nghĩa...; kết nối giao thông nội vùng và ngoại vùng ...
Đồng chí Y Vinh Tơr, Uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc trao đổi về xây dựng chính sách dân tộc tại buổi làm việc
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các địa phương và sự nỗ lực của các tỉnh Tây Nguyên, trong giai đoạn 2021-2023, toàn vùng và các tỉnh đã gặt hái được nhiều thành quả, nổi trội là tốc độ tăng trưởng 7,1%/năm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh Tây Nguyên là khu vực luôn có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng an ninh của cả nước, nên tinh thần chung là cần có sự ưu tiên cơ chế, chính sách, nguồn lực cho khu vực này trong thời gian tới với tinh thần chung đạt được mục đích là tiểu ban Kinh tế Xã hội phải làm một văn kiện rất quan trọng là đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội và định hướng trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nêu rõ, từ văn kiện của các địa phương chúng tôi tổng hợp lại thành văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc. Với vị trí cực kỳ quan trọng của Tây Nguyên thì phải có một ý tứ gì đó trong văn kiện để chúng ta có một chủ trương mới, một đường hướng mới để đẩy mạnh sự phát triển của Tây Nguyên xứng với cái tầm mà nó có. Đề nghị các tỉnh tập trung mục tiêu phải ổn định tình hình an ninh chính trị để phục vụ phát triển; chủ động đề xuất nhiệm vụ cần trung ương phân cấp cho địa phương; quan tâm đến công tác dân tộc, đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số; quản lý bảo vệ rừng, quy hoạch đồng bộ, chỉ tiêu quy hoạch đáp ứng con số phát triển xanh, cơ chế ứng xử với các loại hình quy hoạch để định hướng phát triển chứ không phải là rào cản; đào tạo nguồn nhân lực hệ thống cơ quan nhà nước...
Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương về tuân thủ đồng bộ các quy hoạch, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ chế xử lý khi có xung đột trong các quy hoạch để làm sao quy hoạch thực sự là định hướng chứ không là rào cản cho quá trình phát triển.
Đối với việc kiểm kê rừng, Phó Thủ tướng cho biết Tây Nguyên sẽ là vùng kiểm kê trước bằng việc ứng dụng công nghệ để bảo đảm tính chính xác, minh bạch, không ai can thiệp được vào kết quả kiểm kê, tạo cơ sở cho việc tính toán bố trí đất đai cho đồng bào dân tộc.
Về quản lý và bảo vệ rừng, qua các chuyến khảo sát tại các địa phương, Phó Thủ tướng đồng tình với sự cần thiết phải đánh giá, điều chỉnh lại nhân lực quản lý bảo vệ rừng và mô hình quản lý rừng cho hiệu quả, phòng, chống nguy cơ phá rừng, cháy rừng.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các tỉnh Tây Nguyên chuẩn bị nhân sự thật tốt cho Đại hội đảng bộ các cấp, trong đó đặc biệt lưu ý cán bộ làm công tác dân tộc và cán bộ là người dân tộc.
Giao Bộ KHĐT khảo sát mô hình hay của các tỉnh, tiếp nhận đề xuất của các địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện các báo cáo Tiểu ban kinh tế -xã hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV.
Dự kiến khả năng hoàn thành mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 Dự kiến có 12/16 các chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch 5 năm, gồm: (1) Tổng sản phẩm xã hội, (2) GRDP bình quân đầu người, (3) Huy động vốn đầu tư toàn xã hội, (4) Tổng kim ngạch xuất khẩu, (5) Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, (6) Phát triển cơ sở hạ tầng, (7) Giảm nghèo, (8) Lao động, việc làm, (9) Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia, (10) Y tế, (11) Cải cách hành chính, (12) Quốc phòng, an ninh. Dự kiến có 03/16 chỉ tiêu chủ yếu và 01 chỉ tiêu thành phần có khả năng không đạt kế hoạch 5 năm đề ra, gồm: (1) Tổng thu cân đối NSNN trên địa bàn; (2) Phát triển doanh nghiệp; (3) Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới và số đơn vị cấp huyện hoàn thành nông thôn mới và chỉ tiêu thành phần tỷ lệ khu, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Do đó, nhiệm vụ đạt ra trong những năm còn lại rất nặng nề, cần phải phấn đấu và nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, các địa phương, để thực hiện hoàn thành 16 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra. |
Kim Bảo- Tuấn Hải
- Phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2025 (02/12/2024, 20:47)
- Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 27 (mở rộng) (02/12/2024, 11:19)
- Giải đua xe đạp “Về nguồn” năm 2024: Huyện Cư M’gar nhất toàn đoàn (01/12/2024, 17:56)
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, tổng kết Nghị quyết của Đảng (01/12/2024, 14:33)
- Xuất khẩu container cà phê thành phẩm đầu tiên của nhãn hiệu Miss Ede đến Hoa Kỳ (01/12/2024, 14:26)
- Chương trình “Về nguồn” năm 2024: Hơn 300 triệu đồng hỗ trợ công tác an sinh xã hội tại vùng căn cứ cách mạng Ea Mdroh (30/11/2024, 22:35)
- Chương trình “Tình nguyện mùa đông năm 2024” (30/11/2024, 16:20)
- Đại hội Hội doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk khóa VIII, nhiệm kỳ 2024 – 2027 (30/11/2024, 07:59)
- Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND (29/11/2024, 15:52)
- Mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (29/11/2024, 11:29)
- Triển khai kiểm kê rừng tại các tỉnh vùng Tây Nguyên (28/11/2024, 18:58)