Bộ GTVT phản hồi kiến nghị của DN vận tải về Nghị định mới (16/10/2014, 08:44)

Ảnh minh họa

Theo phản ánh của ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội tại Điều 13 của Nghị định quy định: “Lái xe và nhân viên phục vụ trên xe phải có hợp đồng lao động bằng văn bản với đơn vị kinh doanh vận tải theo mẫu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (trừ các trường hợp đồng thời là chủ hộ kinh doanh hoặc là bố, mẹ, con, vợ, chồng của chủ hộ kinh doanh)”.

Ông Liên cho rằng, quy định nêu trên chưa hợp lý vì đối với các hợp tác xã (HTX) vận tải, các chủ xe tham gia HTX (xã viên) thường trực tiếp lái xe, phục vụ hoặc để người thân (bố, con…) lái, phục vụ. Cũng các xã viên ấy bầu lên chủ nhiệm HTX , do vậy chủ nhiệm HTX không thể ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) với lái xe, phụ xe, tức là xã viên được. Trường hợp thuê lái xe thì cũng là do từng chủ xe ký HĐLĐ, bởi chính chủ xe sẽ trả lương và theo dõi lái xe làm việc.

Cũng theo Nghị định, từ ngày 1/7/2015, đối với xe ô tô có trọng tải thiết kế từ 10 hành khách trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng vận tải hành khách hoặc hợp đồng lữ hành, đơn vị kinh doanh vận tải phải thông báo tới Sở Giao thông vận tải các thông tin cơ bản của chuyến đi bao gồm: Hành trình, số lượng khách, các điểm đón, trả khách, thời gian thực hiện hợp đồng.

Theo ông Liên, đây là điểm mới nhằm siết chặt vấn đề xe hợp đồng, tuy nhiên, vấn đề vẫn là ở tính khả thi, bởi, Nghị định 91/2009/NĐ-CP cũng quy định xe hợp đồng phải có hợp đồng vận tải ghi rõ số lượng hành khách; trường hợp xe vận tải hành khách với cự ly từ 100km trở lên phải kèm theo danh sách hành khách… Nhưng quy định cũng không được các doanh nghiệp thực hiện và xuất hiện tình trạng nhà xe làm giả hợp đồng.

Với quy định mới, ông Liên băn khoăn, việc thông báo bằng cách nào, cơ quan nào kiểm tra tính chính xác của nội dung thông báo, khi không thông báo thì chế tài xử lý thế nào?

Nghị định 86/2014/NĐ-CP còn quy định, nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn về nghiệp vụ và các quy định của pháp luật đối với hoạt động vận tải. Việc tập huấn là hết sức cần thiết nhằm nâng cao trình độ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ lái xe, phụ xe, nhưng phải làm thực chất chứ không nên làm hình thức như hiện nay.

Từ những phân tích trên, ông Liên đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải và bảo đảm các quy định của Nghị định được thực thi nghiêm túc.

Về những vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải có ý kiến phản hồi như sau:

Người điều hành HTX có trách nhiệm ký HĐLĐ với lái xe

Hiện nay, việc quản lý lái xe và nhân viên phục vụ trên xe được thực hiện theo khoản 4 Điều 11 Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Theo đó, lái xe và nhân viên phục vụ trên xe phải có HĐLĐ bằng văn bản với đơn vị kinh doanh; lái xe không phải là người đang trong thời gian bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật...

Theo Điều 38 của Luật HTX năm 2012, Giám đốc (Tổng Giám đốc) HTX, liên hiệp HTX là người điều hành hoạt động của HTX, liên hiệp HTX. Giám đốc (Tổng Giám đốc) có quyền hạn và nhiệm vụ được tuyển dụng lao động theo quyết định của hội đồng quản trị.

Như vậy, việc ký HĐLĐ đối với lái xe phải do người có tư cách pháp nhân điều hành hoạt động của HTX, liên hiệp HTX mới được thực hiện và phải có trách nhiệm ký HĐLĐ theo quy định của Bộ luật Lao động và phải mua bảo hiểm cho lái xe.

Xây dựng phần mềm để quản lý xe hợp đồng

Để tăng cường quản lý đối với hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, khoản 3, Điều 7 Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định: Từ ngày 1/7/2015, đối với xe ô tô có trọng tải thiết kế từ 10 hành khách trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải phải thông báo tới Sở Giao thông vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải các thông tin cơ bản của chuyến đi bao gồm: hành trình, số lượng khách, các điểm đón, trả khách, thời gian thực hiện hợp đồng. Việc thông báo sẽ thực hiện thông qua nhiều hình thức để mỗi đơn vị kinh doanh vận tải có thể lựa chọn phù hợp với điều kiện của mình như fax, email, thông báo qua trang điện tử của Sở Giao thông vận tải.

Bộ Giao thông vận tải sẽ có hướng dẫn mẫu nội dung thông báo để tạo điều kiện cho các đơn vị vận tải thực hiện. Căn cứ thông báo này và các thông tin được cung cấp từ thiết bị giám sát hành trình của xe sau khi đơn vị vận tải thực hiện hợp đồng, cơ quan quản lý có thẩm quyền sẽ kiểm tra và xử lý nếu các xe hợp đồng thực hiện không đúng nội dung thông báo theo quy định.

Trước mắt, do số lượng xe và thông tin thông báo nhiều, các Sở Giao thông vận tải sẽ kiểm tra xác suất để xử lý vi phạm. Trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các phần mềm quản lý vận tải để có thể cập nhật và báo cáo tự động, từ đó có thể kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm đối với hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.

Đây là một trong các giải pháp để tăng cường quản lý hoạt động vận tải của xe hợp đồng là một trong những hình thức kinh doanh vận tải hành khách mà dư luận xã hội cũng như Bộ Giao thông vận tải yêu cầu phải quản lý chặt chẽ trong thời gian sắp tới.

Về chế tài xử lý vi phạm, ngoài Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 55/2013/TT-BGTVT ngày 26/12/2014 quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Căn cứ các quy định hiện hành, các lực lượng kiểm tra, kiểm soát có đủ cơ sở để kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm nhằm chấn chỉnh và tăng cường quản lý đối với hoạt động vận tải bằng xe ô tô.

Tăng cường hiệu quả tập huấn cho lái xe và nhân viên phục vụ

Nghị định số 86/2014/NĐCP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô quy định người điều hành vận tải, lái xe và nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn về nghiệp vụ và các quy định của pháp luật đối với hoạt động vận tải theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

Hiện Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng và sẽ ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 8/6/2013 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, trong đó có quy định chi tiết về nội dung, chương trình và hình thức triển khai tập huấn.

Bộ Giao thông vận tải sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội để có quy định chi tiết, tránh hình thức, lãng phí và tăng cường hiệu quả của công tác tập huấn.

Trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ thường xuyên tiếp nhận các thông tin, kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân đối với những vấn đề có liên quan tới quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để từ đó đưa ra các giải pháp, quy định hợp lý hơn trong công tác quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô.

Theo chinhphu.vn

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready