Bộ Y tế giải đáp thắc mắc về tiêm chủng cho trẻ (25/11/2015, 08:33)

Phụ huynh cần chủ động thông báo với cán bộ y tế về tình trạng sức khoẻ của con mình khi đưa con đi tiêm chủng - Ảnh: VGP/Thúy Hà

    
Bà Nguyễn Thị Linh (Hà Nội): Gần đây, có 2 trường hợp trẻ tử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem ở Hải Dương và Nghệ An. Mặc dù các Hội đồng chuyên môn đã kết luận, nguyên nhân không liên quan đến vắc xin, nhưng là phụ huynh có con nhỏ đang trong thời gian tiêm vắc xin này tôi rất lo lắng. Cho tôi hỏi có vắc xin nào thay thế vắc xin này không? Hoặc thay vì tiêm vắc xin Quivaxem (5 trong 1), tôi có thể tiêm các mũi đơn cho cháu được không?

Bộ Y tế trả lời: Trẻ em dưới 1 tuổi cần được tiêm 3 mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, và viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn Hib lúc 2,3 và 4 tháng tuổi.

Vắc xin Quinvaxem là vắc xin phối hợp phòng 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/màng não do vi khuẩn Hib. Đây là vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiền kiểm định về chất lượng và khuyến cáo các nước sử dụng loại vắc xin này để tiêm cho trẻ em. Vắc xin Quinvaxem cũng đã được Bộ Y tế Việt Nam kiểm định và cấp phép lưu hành.

Tại Việt Nam đã có khoảng 25,5 triệu liều đã được sử dụng cho trẻ em từ tháng 6/2010, kết quả đánh giá nguyên nhân phản ứng nặng sau tiêm vắc xin Quinvaxem trong thời gian qua cho thấy không liên quan đến chất lượng vắc xin.

Việc sử dụng vắc xin phối hợp phòng nhiều bệnh trong 1 loại vắc xin sẽ giảm số mũi tiêm so với việc sử dụng nhiều loại vắc xin đơn lẻ và tỷ lệ phản ứng sau tiêm không có sự khác biệt khi sử dụng vắc xin phối hợp.

Để kịp thời phòng bệnh cho trẻ các bà mẹ hãy tin tưởng và đưa trẻ đi tiêm các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng đúng lịch, trẻ không được tiêm chủng đúng lịch sẽ có nguy cơ mắc bệnh trước khi được tiêm chủng.

Bà Trần Thị Mai (Nam Định): Xin hỏi vì sao trẻ bị sốc phản vệ sau tiêm chủng? Có cách nào biết trước để tránh tử vong cho trẻ hay không?

Bộ Y tế trả lời: Tiêm chủng là việc sử dụng các hình thức khác nhau như (tiêm, uống,...) để đưa vắc xin vào cơ thể con người với mục đích tạo cho cơ thể  đáp ứng miễn dịch phòng bệnh. Tuy nhiên, cũng giống như thuốc, khi tiêm chủng mỗi cơ thể có phản ứng với vắc xin khác nhau nên có người sau tiêm chủng có thể bị đau tại chỗ tiêm, sốt nhẹ, một số rất ít (khoảng 1/1 triệu liều vắc xin sử dụng) có thể bị phản ứng nặng hơn như sốc. Đây là dạng phản ứng dị ứng của cơ thể khi tiếp xúc với các chất lạ được đưa vào cơ thể (dị nguyên). Thực tế, có trường hợp cùng một lô vắc xin, thậm chí tiêm cùng 1 lọ vắc xin nhưng có trẻ có phản ứng nghiêm trọng, trong khi các trẻ khác cùng tiêm vắc xin bình thường đó là do cơ địa mỗi người khác nhau.

Sau tiêm chủng cần cho trẻ ở lại theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng để phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm có thể xẩy ra, tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng, người theo dõi trẻ phải là người trưởng thành và biết chăm sóc trẻ. Các dấu hiệu cần theo dõi sau tiêm chủng bao gồm tinh thần, tình trạng ăn, ngủ, dấu hiệu về nhịp thở, nhiệt độ, phát ban, các biểu hiện tại chỗ tiêm để có thể phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường về sức khỏe của trẻ.

Đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để theo dõi, điều trị nếu có những biểu hiện bất thường như sốt cao (trên 39°C), co giật, quấy khóc kéo dài, khóc thét, bú kém, bỏ bú, phát ban, tím tái, khó thở, sưng đỏ lan rộng tại chỗ tiêm...

Ông Bùi Thiện (Bắc Ninh): Tôi được biết tại các cơ sở tiêm chủng đều có khám sàng lọc trước khi tiêm, vậy tại sao vẫn có trẻ tử vong sau tiêm do bệnh lý trùng lặp ngẫu nhiên?

Bộ Y tế trả lời: Vắc xin được dùng cho số đông đối tượng trong đó chủ yếu là trẻ nhỏ, trong đó có cả trẻ sơ sinh. Đây là giai đoạn trẻ rất dễ bị nhiễm trùng hay các bệnh bẩm sinh nguy hiểm, có nguy cơ dẫn đến tử vong. Hơn nữa việc khám sàng lọc trước tiêm chủng trước số lượng lớn đối tượng nhiều khi khó phát hiện được những bệnh phát triển tiềm ẩn và chưa có những biểu hiện lâm sàng rõ ràng. Theo ước tính của WHO dị tật bẩm sinh và nhiễm trùng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi tại Việt Nam.

Các bà mẹ khi đưa con đi tiêm chủng cần chủ động thông báo với cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe hiện tại, tiền sử bệnh tật hay tiền sử phản ứng sau tiêm của những lần tiêm chủng trước để cán bộ y tế khám sàng lọc và có chỉ định tiêm chủng phù hợp.

Bà Trần Mai Ngọc (Đà Nẵng): Làm thế nào để biết trẻ bị sốc phản vệ sau tiêm? Cách xử lý đối với các bậc phụ huynh là gì?

Bộ Y tế trả lời: Sốc phản vệ là phản ứng của cơ thể do cơ địa đối với kháng nguyên lạ, phản ứng rất hiếm gặp, xảy ra nhanh thường xảy ra 5 - 30 phút sau khi tiếp xúc, tiêm/uống với dấu hiệu truỵ tuần hoàn. Những dấu hiệu sớm của sốc phản vệ là ban đỏ toàn thân và mày đay kèm theo nghẽn tắc đường hô hấp trên và/hoặc dưới, trong những trường hợp nặng có triệu chứng toàn thân mệt lả, xanh tái, mất ý thức, hạ huyết áp, phản ứng khởi phát càng nhanh thì càng trầm trọng. Những phản ứng đe doạ tính mạng nhất thường xuất hiện trong vòng 10 phút sau khi tiêm chủng.

Các trường hợp sốc phản vệ cần phải được xử trí sớm tại cơ sở y tế. Vì thế cán bộ y tế cần phải theo dõi người được tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm chủng tại cơ sở y tế để phát hiện các biểu hiện bất thường và xử trí kịp thời. Các bậc phụ huynh cần thông báo ngay cho cán bộ y tế khi có những biểu hiện bất thường về sức khỏe của trẻ sau khi tiêm chủng.

Theo chinhphu.vn

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready