Bộ Công Thương trả lời chất vấn một số vấn đề của ngành (11/03/2016, 09:01)

Bộ trưởng Công Thương đã có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá về kết quả thực hiện Nghị quyết số 87/2014/QH13 trong phát triển công nghiệp hỗ trợ; chống buôn lậu, hàng giả; tiêu thụ nông sản; phát triển hệ thống bán lẻ; thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh đã gửi ý kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương với nội dung như sau:

"Tại Điều 2, mục 1 Nghị quyết số 87/2014/QH13, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung chỉ đạo tạo chuyển biến tích cực trong công nghiệp hỗ trợ. Cơ chế chính sách đủ mạnh khuyến khích tạo môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế, có loại hình doanh nghiệp tham gia phát triển công nghiệp hỗ trợ theo cơ chế thị trường; Trong đó, chú trọng thúc đẩy phát triển cơ khí chế tạo phục vụ các ngành kinh tế, nhất là phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trong tổ chức thực hiện, cần huy động mọi nguồn lực trong nước và nước ngoài, bảo đảm thu được kết quả thấy rõ trong lĩnh vực trên từ năm 2015, tiến tới thực hiện thành công quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nghiên cứu, trình Quốc hội ban hành Luật về công nghiệp hỗ trợ.

Chỉ đạo quyết liệt, phối hợp các cấp, ngành, các lực lượng triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng. Nhất là đối với hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp; tạo chuyển biến tích cực trong năm 2015 và các năm tiếp theo. Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích, hỗ trợ phát triển hệ thống bán lẻ, phân phối sản phẩm, hoạt động thương mại trong nước; tăng cường quản lý thị trường trong nước. Bộ Công Thương phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các Bộ, ngành có liên quan xây dựng cơ chế liên kết bền vững giữa người nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...

Đề nghị Bộ trưởng cho biết kết quả việc thực hiện Nghị quyết số 87/2014/QH13 về các nội dung như đã nêu. Đặc biệt là cử tri bức xúc trông chờ kết quả thực hiện về phát triển công nghiệp hỗ trợ và thời điểm nào Bộ trưởng thừa ủy quyền Chính phủ trình ban hành Luật về công nghiệp hỗ trợ; các biện pháp đấu tranh phòng chống buôn lậu, kinh doanh trái phép, gian lận thương mại, đã xử lý đến đâu, hiệu quả thế nào? Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng nhất là đối với hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp... đáp lại lòng mong đợi của cử tri".

Về vấn đề này, Bộ Công Thương trả lời Đại biểu Nguyễn Thị Khá như sau:

Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư công nghiệp hỗ trợ

Bộ Công Thương đã và đang tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 1556/QĐ-TTg ngày 17/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực cơ khí chế tạo đóng vai trò quan trọng.

Để thúc đẩy phát triển lĩnh vực cơ khí chế tạo, nhằm thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam, Bộ Công Thương đang gấp rút triển khai, hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và Danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm, Danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2015 và Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Bộ Công Thương đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 9028/QĐ- BCT ngày 8/10/2014) làm cơ sở để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã có Tờ trình Chính phủ số 8691/TTr-BCT ngày 21/8/2015 kèm theo dự thảo Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó đã đề xuất cơ chế, chính sách thích hợp nhằm khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp tham gia phát triển công nghiệp hỗ trợ theo cơ chế thị trường.

Ngày 3/11/2015, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về việc phát triển công nghiệp hỗ trợ và Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Sau khi Nghị định có hiệu lực và áp dụng vào thực tế, trên cơ sở kết quả triển khai Nghị định, Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ.

Chú trọng kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm

Thực hiện Nghị quyết số 87/2014/QH13 của Quốc hội, Bộ Công Thương đã tập trung thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường:

- Trong năm 2015, lực lượng Quản lý thị trường chú trọng kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm tác động lớn đến kinh tế - xã hội, đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời tiếp tục triển khai những nội dung kiểm tra, kiểm soát trọng tâm như kiểm tra chất lượng xăng dầu, khí hóa lỏng lưu thông trên thị trường; vi phạm về sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm; vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng; buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu ngoại nhập lậu. Trên cơ sở các Chương trình, Đề án, Kế hoạch kiểm tra đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, lực lượng Quản lý thị trường thông qua công tác kiểm tra kiểm soát thực tế, tổ chức sơ kết, tổng kết thực tiễn, trao đổi nghiệp vụ và chia sẻ thông tin liên tuyến, liên địa bàn, từ đó đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường;

- Lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục chủ động nắm diễn biến thị trường, dự báo tình hình, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh, nổi cộm trên thị trường phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát; triển khai quyết liệt, đồng bộ, trên diện rộng hoạt động kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với một số mặt hàng trọng điểm như: Thực phẩm, thuốc lá, xăng dầu, gas, phân bón vô cơ... Tiếp tục đẩy manh thực hiện các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại đã được phê duyệt. Tổ chức tổng kết, sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm của từng chuyên đề, mặt hàng để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.

- Lực lượng Quản lý thị trường tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các tuyến đường bộ, đường sắt... nhất là các địa bàn trọng điểm tại các địa phương: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, An Giang... để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại.

Nỗ lực đưa nông sản thâm nhập thị trường mới

Bộ Công Thương đã và đang phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương triển khai nhiều hoạt động như sau:

Ngày 3/6/2014, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Bản ghi nhớ về phối hợp công tác nhằm đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Hai Bộ đã thống nhất thực hiện các nội dung theo chức năng, nhiệm vụ nhằm phát huy vai trò quản lý nhà nước của hai Bộ trong việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng.

Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan tổ chức Hội nghị tại các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Hải Dương, Lạng Sơn, Hà Giang, Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tháo gỡ khó khăn trong khâu thông quan, tổ chức tiêu thụ nội địa cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, quản lý thương nhân nước ngoài vào mua các sản phẩm nông sản của địa phương như: vải thiều, ổi, na, dưa hấu...

Trong năm 2015, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nỗ lực tiếp tục đưa các mặt hàng nông sản xuất khẩu thâm nhập vào các thị trường mới, đặc biệt là những thị trường kỳ vọng giá trị cao nhưng có yêu cầu khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm. Đối với Hoa Kỳ, Việt Nam đã gửi danh sách 11 loại trái cây có tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam lên Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APH3S). Trong năm 2015, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã hướng dẫn cho nông dân tại Bắc Giang sản xuất vải thiều theo quy định tại EU và thí điểm xuất khẩu sang Pháp, Séc; hướng dẫn cho nông dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ sản xuất thủy sản theo hướng tiếp cận các chuỗi phân phối tại Châu Âu...

Đối với mặt hàng gạo, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng các Bộ, ngành, Tổ công tác điều hành xuất khẩu gạo và các địa phương thực hiện các biện pháp củng cố, duy trì các thị trường truyền thống như Philippin, Indonesia, Malaysia, Cuba… nỗ lực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiềm năng, thị trường mới như Hồng Kông, Mexico, Singapo, Chile...

Cụ thể là, phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện thương mại ở nước ngoài hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện hoạt động xúc tiến xuất khẩu gạo; Tổ chức thực hiện công tác xúc tiến thương mại để củng cố quan hệ thương mại gạo tại các thị trường Trung Quốc, Singapo và Malaysia, Philippin, Indonesia. Hoạt động này đã giúp các doanh nghiệp tiếp cận, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là các chủng loại gạo cao cấp, gạo đặc sản; Trao đổi, đàm phán với các đối tác như Mexico, Hàn Quốc, EU... để tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho gạo Việt Nam tiếp cận thị trường; Tích cực, nỗ lực đàm phán, ký các Thỏa thuận về thương mại gạo với các nước.

Đến nay, Bộ Công Thương đã ký 8 bản thỏa thuận (MOU/MOA) về thương mại gạo với các nước Indonesia, Ghinê, Haiti, Bănglađét, ĐôngTimo, Cômôrốt, Philippin, XieraLêôn; đã đề xuất đàm phán để ký với Malaysia và Trung Quốc. Tổng số lượng gạo theo các MOU/MOA và Hợp đồng Chính phủ đã ký kết giữa Việt Nam và các đối tác là khoảng 5,57-5,62 triệu tấn/năm.

Trong quá trình đàm phán các hiệp định Hiệp định Thương mại tự do song phương, đa phương (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP, các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Liên minh Kinh tế Á - Âu (VCUFTA) ...), Bộ Công Thương đều chú trọng và ưu tiên nội dung đàm phán với các đối tác để mở cửa thị trường gạo theo hướng giảm thuế, giảm bớt các rào cản kỹ thuật.

Với những giải pháp trên, công tác điều hành xuất khẩu gạo vào các thị trường có hợp đồng tập trung đã đạt được những kết quả tích cực. Trong năm 2014, các doanh nghiệp đầu mối đã phối hợp giành được những hợp đồng xuất khẩu số lượng lớn như hợp đồng 1 triệu tấn tại thị trường Philippin; hợp đồng 250.000 tấn xuất khẩu sang thị trường Indonesia, hợp đồng 200.000 tấn xuất khẩu sang thị trường Malaysia. 9 tháng đầu năm 2015 ký được 1,19 triệu tấn gạo vào các thị trường gồm: Philippin (750.000 tấn), Malaysia (240.000 tấn), Cuba (200.000 tấn).

Phối hợp với một số địa phương triển khai Chương trình kết nối cung - cầu giữa nhà sản xuất, chế biến với nhà phân phối trong khu vực để xây dựng chuỗi cung ứng ổn định, gắn kết lâu dài trong việc tạo nguồn hàng (chủ yếu là nông sản, đặc sản của từng địa phương) phục vụ cho Chương trình bình ổn giá.

Đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh nông sản nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững”. Theo chỉ đạo của Chính phủ đối với Đề án trên, hiện Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu để đề xuất cơ chế, giải pháp cụ thể đối với 4 nhóm mặt hàng chính là lúa gạo, thủy sản, rau quả và sản phẩm chăn nuôi.

Về phát triển hệ thống bản lẻ, phân phối sản phẩm

Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 3/7/2015. Ngày 26/6/2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 6481/QĐ-BCT phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035. Đồng thời, Bộ Công Thương đang tiếp tục triển khai xây dựng Quy hoạch thương mại vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Nhằm tạo điều kiện thu hút vốn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển chợ và các loại hạ tầng thương mại khác, qua đó để hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối sản phẩm, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng Nghị định mới quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2014. Trong đó, đề nghị xây dựng theo hướng bổ sung hạ tầng thương mại vào danh mục ưu đãi đầu tư; một mặt, nhằm tạo điều kiện thu hút vốn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân để đầu tư phát triển chợ và các loại hạ tầng thương mại; mặt khác, để thống nhất với các văn bản đã ban hành như Nghị định số 114/2009/NĐ-CP, Quyết định số 23/QĐ-TTg, Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013.

Triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (được phê duyệt theo Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ), Bộ Công Thương thực hiện Nhóm Chương trình hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam ổn định và bền vững.

Tiếp tục tổ chức thực hiện tuyên truyền, quảng bá Chương trình Thương hiệu Quốc gia trên các báo, tạp chí...; triển khai các hoạt động quảng bá nhân ngày Thương hiệu Việt Nam 20 tháng 4, Triển khai các hoạt động thuộc Tuần lễ Tự hào Thương hiệu Việt Nam vào tháng 7/2015..., cũng như các hoạt động xuất bản ấn phẩm Vietbrand quảng bá thương hiệu cá tra, quả vải của Việt Nam và các hoạt động quảng bá trên trang Cổng Thông tin điện tử Cục Xúc tiến thương mại...

Về FDI trong lĩnh vực phân phối, từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 đến nay, Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn tăng trưởng liên tục qua các năm. Tổng mức bán lẻ năm 2014 đạt 2.970.300 tỷ VNĐ (khoảng 140 tỷ USD). Tổng mức bán lẻ của thành phần kinh tế nhà nước có xu hướng giảm, còn kinh tế ngoài nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng tăng.

Đến nay đã có hơn 10 thương hiệu của các nhà phân phối đến từ Châu Âu, Châu Á đã đầu tư xây dựng cơ sở và thương hiệu ở Việt Nam. Các nhà phân phối đến trước khi Việt Nam gia nhập WTO có thể kể ra như: Metro Cash & Carry - Đức, Big C -Pháp, Parkson - Malaysia; các thương hiệu mới thành lập sau khi Việt Nam gia nhập WTO là: Lotte Mart - Hàn Quốc, Takashimaya - đầu tư từ Singapore, Aeon - Nhật Bản, E-Mart - Hàn Quốc, Robinson - Thái Lan, Co-op Xtra (liên doanh Saigon Co.op với Fairprice - Singapore)...

Tuy số lượng cơ sở và thị phần của doanh nghiệp phân phối vốn FDI so với tổng số chung còn thấp (khoảng 9% so với tổng số siêu thị và trung tâm thương mại) nhưng thị phần của doanh nghiệp phân phối vốn FDI so với bán lẻ hiện đại ở Việt Nam lại chiếm tỷ trọng đáng kể (17%), cùng với việc bảo đảm các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm và giá bán ngày càng giảm do tiết kiệm chi phí và nhờ vận doanh theo chuỗi với quy mô ngày càng tăng... tạo ra áp lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và các chủ thể bán lẻ trong nước với rất nhiều hạn chế về tiềm lực tài chính, kinh nghiệm và công nghệ bán lẻ...

Về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Hàng năm, Bộ Công Thương đều xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động (các Kế hoạch được ban hành theo các Quyết định số 1170/QĐ-BCT ngày 14/3/2011; Quyết định số 1570/QĐ-BCT ngày 29/3/2012; Quyết định số 1526/QĐ-BCT ngày 13/3/2013; Quyết định số 1544/QĐ-BCT ngày 25/2/2014; Quyết định số 2457/QĐ-BCT ngày 16/3/2015).

Ngày 29/4/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 634/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”giai đoạn năm 2014 - 2020. Trong đó, nhóm các giải pháp, chương trình hành động chủ yếu sẽ được tập trung triển khai thực hiện bao gồm các nhóm Chương trình: (i) Nhóm chương trình hỗ trợ nhằm thay đổi tích cực về nhận thức và hành vi của cộng đồng; (ii) Nhóm chương trình hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam ổn định và bền vững; (iii) Nhóm chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam và hàng Việt Nam.

Bộ Công Thương tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua nhiều hoạt động thiết thực:

- Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng đánh giá cao hàng Việt Nam. Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giầy có tới 80% người ưa chuộng; nhóm hàng thực phẩm, rau quả có tới trên 58% người tiêu dùng ưa chuộng... Hàng Việt đã có chỗ đứng nhất định trong các cơ sở phân phối không chỉ của doanh nghiệp vốn trong nước mà của doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam (tỷ trọng hàng sản xuất tại Việt Nam bán ra tại các cơ sở này đang chiếm khoảng 90%). Tại hệ thống các điểm bình ổn thị trường (trên 9.000 điểm) có trên 90% là hàng sản xuất trong nước. 

- Hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn ngày càng tăng lên, trong 5 năm qua, các Sở Công Thương tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức được gần 2.000 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 53.000 lượt doanh nghiệp tham gia, doanh thu mang lại là hơn 34,47 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, tại các tỉnh biên giới, các đợt bán hàng Việt không chỉ thu hút được người dân trên địa bàn tới tham quan mua sắm mà còn thu hút được đông đảo dân cư của các nước láng giềng như Lào, Campuchia...

- Bộ tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ và trong ngành Công Thương triển khai thực hiện hiệu quả “Thỏa thuận giữa các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ Công Thương trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau” đã được ký ngày 9/10/2012. Các tập đoàn, tổng công ty còn mở rộng việc ký kết các hợp đồng với các công ty, đơn vị sản xuất trong nước đối với nhiều mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu, hàng hóa. Tỷ lệ sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư nguyên liệu trong nước của các tập đoàn, tổng công ty ngày càng tăng cao, trong đó tỷ lệ này tại nhiều đơn vị đã trên mức 50%...

- Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương tổ chức triển khai thực hiện các chương trình bình ổn thị trường, đặc biệt là trong các dịp thị trường có tính cao điểm như các dịp nghỉ lễ, tết, khai trường...

- Tiếp tục chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả nhằm tạo cơ hội cho hàng hoá Việt Nam phát triển trên thị trường nội địa, từ đó thúc đẩy sản xuất phát triển.

Theo Chinhphu.vn

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready