Chế độ với người bị tai nạn lao động (21/03/2018, 07:32)

Bà Trần Tuyết đề nghị được hướng dẫn giải quyết chế độ cho người lao động trong trường hợp bị tai nạn và phải nghỉ việc dài hạn.

Người lao động bị tai nạn giao thông trên đường đi làm từ ngày 10/8/2017, được đưa đi cấp cứu và ra viện từ ngày 7/9/2017.

Sau khi ra viện người lao động còn thực hiện điều trị nội trú và ngoại trú đến tháng 12/2017. Người sử dụng lao động đã giới thiệu người lao động đến Trung tâm giám định y khoa để làm thủ tục giám định mức độ suy giảm khả năng lao động vào tháng 1/2018.

Tuy nhiên, Trung tâm giám định y khoa trả lời do người lao động bị tai nạn có chấn thương sọ não thì thời gian bắt đầu làm thủ tục giám định là từ 6 tháng kể từ ngày ra viện. Hiện người lao động vẫn chưa trở lại làm việc.

Vậy, người sử dụng lao động đã chi trả tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tai nạn đến thời điểm ra viện. Thời gian người lao động sau khi ra viện không đi làm và đang chờ làm thủ tục giám định y khoa, đến khi có kết quả giám định thì người sử dụng lao động có phải chi trả không? Nếu có được quy định tại văn bản nào?

Trong thời gian chờ làm thủ tục giám định, công ty nơi người lao động làm việc giải thể. Vậy thủ tục giải quyết chế độ BHXH do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ do ai thực hiện và người lao động có được giải quyết hưởng chế độ trợ cấp BHXH do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp?

Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Theo Khoản 2, Điều 12 Nghị định số 45/2013/ NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động thì, tai nạn được coi là tai nạn lao động là tai nạn xảy ra tại địa điểm và thời gian hợp lý khi người lao động đi từ nơi ở đến nơi làm việc, từ nơi làm việc về nơi ở.

Điểm c, Khoản 1 và Khoản 2, Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao độngquy định, người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi bị tai nạn trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên từ tai nạn đó.

Trách nhiệm của người sử dụng lao động

Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

- Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp.

- Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:

Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do BHYT chi trả đối với người lao động tham gia BHYT.

Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.

Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia BHYT.

- Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.

- Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%.

Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

- Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại Khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng.

- Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật.

- Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người.

- Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc.

- Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương này.

- Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho người lao động nghỉ việc do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

Trường hợp giám định mức suy giảm khả năng lao động

Khoản 1, Khoản 3, Điều 47 Luật này quy định, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Sau khi bị thương tật, bệnh tật lần đầu đã được điều trị ổn định còn di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe.

- Sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định.

- Đối với trường hợp thương tật hoặc bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì người lao động được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị.

Người lao động sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định (quy định tại Điểm b, Khoản 1 Điều này) được giám định lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau 24 tháng, kể từ ngày người lao động được Hội đồng giám định y khoa kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động liền kề trước đó; trường hợp do tính chất của bệnh nghề nghiệp khiến người lao động suy giảm sức khỏe nhanh thì thời gian giám định được thực hiện sớm hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Về vấn đề bà Trần Tuyết hỏi, theo quy định nêu trên, sau thương tật đã được điều trị ổn định mà còn di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe, người lao động bị tai nạn lao động được giám định mức suy giảm khả năng lao động. Kết luận Giám định của Hội đồng giám định y khoa về tỷ lệ suy giảm khả năng lao động được dùng làm căn cứ để:

- Người sử dụng lao động bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra hoặc trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra. 

- BHXH trả trợ cấp một lần theo quy định tại Điều 48 Luật An toàn, vệ sinh lao động hoặc trợ cấp hàng tháng theo quy định tại Điều 49 Luật này.

Khoản 3, Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị. 

Khoản 1, Điều 54 Luật này quy định, người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 ngày đến 10 ngày. Trong thời gian nghỉ dưỡng sức người lao động được hưởng 1 ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

Không thấy có quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm trả lương cho người lao động bị tai nạn trong khoảng thời gian từ khi đã điều trị ổn định mà còn di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe phải nghỉ việc, đến khi Hội đồng giám định y khoa tiến hành giám định lần đầu.

Bà Tuyết có đặt vấn đề, trong thời gian chờ làm thủ tục giám định thương tật cho người bị tai nạn, Công ty nơi người lao động làm việc tiến hành thủ tục giải thể. Vậy thủ tục giải quyết chế độ BHXH do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ do ai thực hiện?

Theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động, doanh nghiệp có trách nhiệm lập hồ sơ và nộp cho cơ quan BHXH nơi đang đóng BHXH để giải quyết chế độ tai nạn lao động cho người lao động.

Theo Khoản 2, Điều 201; Điểm a, Khoản 5, Điều 202 Luật Doanh nghiệp thì, doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác, trong đó có các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, BHXH theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết.

Như vậy công ty có trách nhiệm lập hồ sơ và nộp cho cơ quan BHXH nơi đang đóng BHXH để giải quyết chế độ tai nạn lao động cho người lao động trước khi giải thể và chỉ được giải thể khi hoàn thành trách nhiệm đó với người lao động.

Theo chinhphu.vn

Các tin khác

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready