Đắk Lắk tập trung phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu của người dân, doanh nghiệp (16/10/2024, 11:00)

Xác định xây dựng chính quyền số là xu thế trong thời đại công nghiệp 4.0. Thời gian qua, Đắk Lắk đang từng bước xây dựng và phát triển chính quyền điện tử nhằm tận dụng những bước tiến của công nghệ, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để hiểu hơn về những nỗ lực của tỉnh trong xây dựng chính quyền điện tử, Cổng thông tin điện tử tỉnh đã có cuộc phỏng vấn ông Ra Lan Trương Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk về nội dung này.

Ông Ra Lan Trương Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk

Biên tập viên: Thưa ông, đến nay, Đắk Lắk đã thực hiện  ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào hoạt động quản lý nhà nước và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến để đáp ứng yêu cầu về xây dựng chính quyền điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp như thế nào thưa ông?

Ông Ra Lan Trương Thanh Hà: Thực hiện Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh và Quyết định 3330 của UBND tỉnh Đắk Lắk về “Thực hiện kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2020 -2025, định hướng đến năm 2030”, đến nay, hệ thống văn phòng điện tử của tỉnh đã hoạt động ổn định và thông suốt ở 4 cấp chính quyền. Từ cấp xã đã kết nối đến cấp trung ương. Trong tất cả các dịch vụ đã được triển khai đó, ấn tượng nhất là dịch vụ giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ công. Nếu như trước đây khi chưa thực hiện dịch vụ này thì chưa rõ ràng trách nhiệm, cho nên là những trường hợp hồ sơ, thủ tục chậm tiếp nhận, xử lý chậm còn nhiều. Nhưng khi đưa giám sát cung ứng dịch vụ công trực tuyến của UBND tỉnh vào trung tâm điều hành đô thị thông minh thì những hồ sơ đó giảm dần.

Xã Eauy huyện Krông Pắc hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại Ngày hội Chuyển đổi số quốc gia năm 2024

 Cho đến nay, không còn hồ sơ chậm tiếp nhận. Đối với, các hồ sơ chậm xử lý, giải quyết thì được tổng hợp báo cáo hàng tháng cho UBND tỉnh để UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh, nhắc nhở đơn vị đó. Cho nên hiệu quả, tiến độ xử lý hồ sơ trên hệ thống thủ tục hành chính điện tử có rất nhiều chuyển biến trong thời gian qua.

Biên tập viên: Vâng có thể thấy, Đắk Lắk đã rất nỗ lực trong thực hiện chuyển đổi số nhất là xây dựng chính quyền điện tử để phục vụ người dân và doanh nghiệp, vậy theo ông đâu là khó khăn trong xây dựng chính quyền điện tử hiện nay tại địa phương?

Ông Ra Lan Trương Thanh Hà: Hiện giờ hạ tầng triển khai chính quyền điện tử, các năng lực lưu trữ, dự phòng từ xa, dự phòng tình huống vẫn chưa bảo đảm.

Thứ hai, đây là ngành công nghệ chất lượng cao, đòi hỏi nhân lực rất là tốt. Nhưng kèm theo đó là chi phí, chính sách thu hút tuyển dụng thời gian qua chưa được tốt cho nên cũng chưa có nhiều nhân lực đảm bảo được công việc.

Học sinh địa bàn Krông Pắc tích cực tìm hiểu thông tin tuyển sinh các trường thông qua tiện ích số

Thứ 3, hiện giờ trên địa bàn tỉnh có rất nhiều cơ quan đơn vị địa phương sử dụng các phần mềm ứng dụng chuyên ngành khác nhau. Việc đó rất thiếu đồng bộ. Để xử lý đồng bộ được những dữ liệu đó cũng phải rất tốn kém về các nguồn lực để triển khai.

 Thứ 4, bây giờ công nghệ bùng nổ, rất nhiều ứng dụng, rất nhiều giải pháp, rất nhiều nhà cung cấp cho nên việc lựa chọn để đưa ra giải pháp, sản phẩm phù hợp, hiệu quả cũng là vấn đề rất khó. Điều này không chỉ với ngành thông tin và truyền thông mà còn với nhiều ngành khác nữa.

Biên tập viên: Trong công cuộc chuyển đổi số, thì công dân số được xem là trọng tâm, họ vừa là người thụ hưởng nhưng cũng là người đóng góp xây dựng, phát triển, vậy Đắk Lắk sẽ tập trung xây dựng công dân số này như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Ra Lan Trương Thanh Hà: Nói chung cả 3 trụ cột chuyển đổi số thì công dân số quyết định đến “sứ mệnh” của công cuộc chuyển đổi số. Nghĩa là công dân số cung cấp cán bộ số và cung cấp các nhà kinh doanh số tạo ra các mối quan hệ hình thành xã hội số.  Thực hiện công dân số, trong thời gian vừa rồi, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai quyết liệt. Đến nay, đã có hơn 75 % dân số tỉnh Đắk Lắk đã kích hoạt sử dụng định danh và xác thực điện tử ở các mức. Đây chính là kết quả nỗ lực  rất lớn giúp cho các hoạt động trong xã hội số được thuận lợi.

Thanh niên huyện Krông Pắc ra quân tuyên truyền tại ngày hội chuyển đổi số quốc gia

Đặc biệt là sử dụng tài khoản này để đăng nhập vào cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện các giao dịch dịch vụ công trực tuyến, thủ tục hành chính nhanh chóng hiệu quả.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ thực hiện theo chủ chủ trương chỉ đạo chung của Bộ Thông tin – Truyền thông là tiếp tục tham mưu cho tỉnh có các biện pháp, giải pháp thúc đẩy, khai thác hiệu quả việc tổ chức và hoạt động của các “tổ công nghệ số cộng đồng”. Bởi vì đây chính là những đơn vị là cánh tay nối dài đến cơ sở của địa phương, của ngành để giúp từng người dân tham gia vào công cuộc chuyển đổi số.

Xin cám ơn ông!

Kim Bảo thực hiện.

Quảng Cáo
   

​​​  ,

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready