Tăng cường quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (16/05/2025, 15:13)

Ngày 16/5, Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tăng cường công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm và giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Văn Hà chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Phú Thọ và Quảng Ninh; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp hữu quan trên địa bàn Đắk Lắk.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, Đắk Lắk có diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 650.000 ha, có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp với nhiều loại nông sản chủ lực có diện tích, sản lượng, chất lượng đứng đầu cả nước như: cà phê, hồ tiêu, ca cao, macca, trái cây…

Nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế tỉnh Đắk Lắk, đóng góp 36,8% vào tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu nông sản, đặc biệt là cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, sầu riêng, chiếm trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Ngành nông nghiệp cũng giải quyết việc làm cho gần 70% lao động địa phương…

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đã giao cụ thể nhiệm vụ quản lý cho các chi cục chuyên ngành, bảo đảm quy trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức. Giai đoạn 2022 - 2024, đã tổ chức 251 lớp tập huấn về trồng trọt và chăn nuôi thú y, với 10.475 lượt người tham gia và 15 hội nghị tuyên truyền về an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản với 450 lượt người…

Ông Nguyễn Hắc Hiển - Chi Cục trưởng Chi Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại hội nghị.

Đến nay, Đắk Lắk có 616 cơ sở được cấp giấy Chứng nhận an toàn thực phẩm ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Hiện toàn tỉnh đã xây dựng được 123 chuỗi liên kết do các cấp chính quyền thực hiện, ngoài ra còn có khoảng 10 chuỗi do doanh nghiệp và người nông dân tự liên kết. Toàn tỉnh cũng có khoảng 150 hợp tác xã nông nghiệp có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp; có khoảng 34 doanh nghiệp và 276 trang trại, gia trại tham gia liên kết với nhau; số hộ nông dân tham gia liên kết khoảng 15.525 hộ; có 5 tổ chức khoa học tham gia liên kết. Việc xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đang được các cấp, các ngành cũng như các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trên địa bàn tỉnh quan tâm và triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả nhất định, góp phần không nhỏ trong việc quản lý và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ngành nông nghiệp Đắk Lắk cũng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa nông, lâm, thuỷ sản. Trong năm 2024 và 4 tháng đầu năm 2025, ngành nông nghiệp Đắk Lắk đã tiến hành kiểm tra 100 cơ sở, xử phạt 10 cơ sở vi phạm với số tiền vi phạm gần 195 triệu đồng...

Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tại Đắk Lắk vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại như: tỷ lệ sản xuất theo chuỗi, theo tiêu chuẩn chứng nhận và có truy xuất nguồn gốc còn thấp; nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa tuân thủ đầy đủ quy định an toàn thực phẩm; việc kiểm tra, lấy mẫu tại các vùng sản xuất gặp khó khăn do người dân chưa hợp tác…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý chất lượng, an toàn sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Trong đó, chú trọng các giải pháp phát triển vùng sản xuất an toàn, xây dựng hệ sinh thái trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị sản phẩm để kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào và đầu ra… Đặc biệt, vấn đề kiểm soát dư lượng chất bảo vệ thực vật, nhất là chất cadimi và vàng O trên mặt hàng sầu riêng xuất khẩu được quan tâm thảo luận nhằm tìm ra các giải pháp cấp bách, giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc hiện nay trước khi mùa vụ sầu riêng Đắk Lắk bước vào thu hoạch và xuất khẩu…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Văn Hà phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Văn Hà nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm là yêu cầu bắt buột và tất yếu. Do đó, các ngành, đơn vị liên quan và các địa phương cần phối hợp đồng bộ để tháo gỡ những tồn tại, hạn chế hiện nay trong công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh chuỗi liên kết, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm để đưa nông sản Đắk Lắk bước ra thị trường toàn cầu; có những giải pháp cụ thể, thiết thực đối với các vấn đề mà mặt hàng sầu riêng đang gặp phải để doanh nghiệp và người nông dân yên tâm sản xuất và thu mua xuất khẩu trong thời gian tới…

Minh Huệ

​​​

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready