Tập huấn mô hình di sản kết nối gắn với hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng (21/11/2024, 15:37)

Chiều 21/11, Cục Di sản văn hoá phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hoá phi vật thể “Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk.

Tham dự khai mạc có ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá; ông Lại Đức Đại – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, nghệ nhân và thanh thiếu niên xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma  Thuột.

Các học viên tham dự lớp tập huấn

Các học viên có cơ hội được tiếp cận với chuyên gia hàng đầu về di sản văn hoá phát triển cộng đồng và di sản văn hoá phi vật thể, như PGS. TS. Đinh Hồng Hải - Trường Đại học quốc gia Hà Nội, Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và chuyên gia Cục Di sản văn hoá.

Lớp tập huấn trang bị cho các học viên nhiều kỹ năng nhằm tự phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng nơi họ cư trú như: nhận diện, phân tích, lựa chọn để tự giới thiệu các di sản văn hoá mà chính họ là chủ thể. Trong đó, nổi bật nhất là kỹ thuật photovoice – cộng đồng tự kể các câu chuyện văn hóa của chính mình…

Phát biểu khai mạc, ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá cho hay, đây là nội dung triển khai theo Quyết định 2539/QĐ-BVHTTDL ngày 13/8/2024 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện nhiện vụ “Dự án Mô hình di sản kết nối gắn với hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng”, trong khuôn khổ Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc áp dụng phương pháp photovoice để diễn giải, giới thiệu, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch có tính khả cao và phù hợp với xu thế thời đại.

Ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá phát biểu khai mạc

Trên thực tế, số lượng các thành viên trong cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên đang sử dụng các thiết bị smartphone có chức năng ghi, phát hình ảnh chiếm tỷ lệ trên 60%. Nhiều thành viên của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên đã từng sử dụng chức năng ghi và phát lại các hình ảnh đã ghi trên các trang mạng xã hội như: Facebook; Youtube; Tiktok… Tuy nhiên, hầu hết những hoạt động ghi và phát lại các hình ảnh đã ghi trên các trang mạng xã hội chỉ dừng lại ở việc đáp ứng và phục vụ nhu cầu cá nhân. Các nội dung được ghi và phát lại hình ảnh mang tính cảm xúc, ngẫu hứng, chủ quan. Hơn nữa, cộng đồng chưa có mục đích trong việc xây dựng các nội dung hình ảnh, chưa nắm được kỹ thuật ghi hình, biên tập hình ảnh…

Ông Lại Đức Đại – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL phát biểu tại lớp tập huấn

Sau khi tham gia lớp tập huấn, các học viên sẽ thay đổi kiến thức, kỹ năng nhận diện, lựa chọn di sản để giới thiệu và thói quen lựa chọn nội dung ghi, phát hình ảnh theo hướng có mục đích rõ ràng. Nhiều kỹ năng cần thiết trong việc thực hiện kỹ thuật ghi, phát lại hình ảnh sẽ được bổ sung.

Bên cạnh đó, các học viên sẽ có khả năng tạo ra những sản phẩm ghi hình với chất lượng nội dung và hình ảnh, âm thanh tốt hơn nhiều so với trước khi tham gia lớp tập huấn. Các tập quán, nghi lễ, diễn xướng truyền thống của cộng đồng bắt đầu được các học viên chú tâm ghi, thu lại và biên tập, kết nối hình ảnh, âm thanh, lời giới thiệu để hình thành các câu chuyện kể về đời sống văn hóa các dân tộc ở Tây Nguyên bằng cách nhìn của chính họ.

Với sự hướng dẫn tận tâm, chuyên nghiệp của các chuyên gia ngành di sản văn hóa, các học viên chăm chú lĩnh hội được những kỹ năng mới.

Theo ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, mô hình được triển khai, thực hiện sẽ là một biện pháp phát triển bền vững bằng cách đảm bảo cả việc bảo vệ tài nguyên văn hóa địa phương, di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng và cải thiện sinh kế của cộng đồng từ thúc đẩy phát triển du lịch.

Thông qua đợt tập huấn, các học viên sẽ nhận thức sâu sắc hơn về giá trị, vai trò của di sản với đời sống cộng đồng và ý thức được hiệu quả của việc áp dụng phương pháp photovoice vào giới thiệu, diễn giải, lưu giữ và quảng bá các giá trị di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên gắn với phát triển du lịch.

Các nghệ nhân và những người am hiểu về di sản của cộng đồng sẽ được động viên trong việc thực hành và trao truyền di sản cho thế hệ trẻ. Các bạn trẻ sẽ được trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật tự quay phim, ghi hình, ghi âm thực trạng thực hành di sản ở cộng đồng. Đây là điểm mới mà lớp tập huấn đã mang lại cho cộng đồng trong hoạt động tự bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa do chính họ là chủ thể sáng tạo và sở hữu. Từ đó, sự sáng tạo ra các nguồn lực mới cho cộng đồng phát triển bền vững.

Đặc biệt, mô hình Di sản kết nối tận dụng sức mạnh của di sản văn hóa phi vật thể trong kỷ nguyên kỹ thuật số để thay đổi nhận thức, góp phần thúc đẩy sự hỗ trợ lẫn nhau giữa cộng đồng sở hữu các di sản tương đồng, cổ vũ các biểu đạt văn hóa và đa dạng văn hóa.  Việc áp dụng phương pháp photovoice sẽ giúp cho cộng đồng có những thuận lợi trong việc chủ động, sáng tạo nhằm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của chính họ, đồng thời kiến tạo các cơ hội để cộng đồng chủ thể di sản được trực tiếp tham gia và hưởng lợi từ những hoạt động diễn giải, quảng bá di sản gắn với phát triển du lịch mang tính liên tỉnh, liên vùng.- ông Lại Đức Đại chia sẻ.

Kim Bảo

Quảng Cáo
   

​​​  ,

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready