Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực y tế (04/07/2024, 15:33)

Những năm qua, ngành y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động, tích cực chuyển đổi số (CĐS) để nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, nhiều năm nay đã triển khai khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp thay bảo hiểm y tế (BHYT) là một bước tiến lớn trong việc cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số của ngành y tế. Trung bình một ngày bệnh viện tiếp nhận từ 1.600 – 1.900 lượt người, trong đó số lượng người sử dụng thẻ CCCD gắn chíp thay BHYT khi khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên chiếm khoảng 75%.

Người dân khám chữa bệnh bằng căn cước công dân tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên

Bà T.T.H, 75 tuổi (Phường Khánh Xuân, Tp. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: Trung bình một tháng phải đi bệnh viện từ 1 đến 2 lần. Trước đây mỗi lần đi khám bệnh phải mang theo thẻ bảo hiểm và chứng minh nhân dân để nộp. Sau đó cán bộ y tế phải nhập thông tin và kiểm tra nên thời gian chờ đợi khá lâu. Từ khi sử dụng thẻ CCCD gắn chíp thay cho BHYT, tôi chỉ cần đưa cho nhân viên quẹt thẻ và trực tiếp đến thẳng phòng khám theo nhu cầu, thời gian vỏn vẹn chỉ có 30 giây, rút ngắn được rất nhiều công đoạn cũng như thời gian.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Trưởng phòng công nghệ thông tin, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên: Để triển khai hiệu quả việc sử dụng CCCD gắn chíp trong khám, chữa bệnh BHYT, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã nâng cấp phần mềm, tự động hoá các quy trình thủ tục khám chữa bệnh, đảm bảo khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu, thay mới đầu đọc thẻ, bố trí cán bộ trực KIOSK để hướng dẫn người dân đăng ký khám chữa bệnh tự động.

Việc dùng thẻ CCCD gắn chíp thay vì trình thẻ BHYT như trước đây không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng quá tải công việc cho cán bộ mà những người đi khám bệnh thường xuyên cũng không phải chờ đợi quá lâu như trước. Việc khám, chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD gắn chíp đã đem lại nhiều tiện ích cho người dân như giảm thời gian làm thủ tục đăng ký khám, chữa bệnh, giảm từ 2 đến 3 bước trong quy trình 6 bước của khám chữa bệnh BHYT, người bệnh không cần mang theo thẻ BHYT hoặc nếu trường hợp mất thẻ BHYT vẫn khám, chữa bệnh được. Cách làm này cũng góp phần đơn giản hoá thủ tục khám, giảm các giấy tờ liên quan, tiếp nhận bệnh nhân nhanh và thuận lợi, nhân viên y tế xác định đúng người bệnh trên thẻ, hạn chế tối đa việc mượn thẻ BHYT- ông Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

Theo đánh giá của Sở Y tế, triển khai Kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021- 2025, các đơn vị y tế trên địa bàn đã triển khai, sử dụng duy trì phần mềm Quản lý khám chữa bệnh và cơ bản đáp ứng được nhu cầu phục vụ công tác quản lý, khám chữa bệnh.

Phần mềm Quản lý Y tế cơ sở đã được triển khai tại 185/185 trạm y tế xã, phường, thị trấn toàn tỉnh

Hiện nay, 185/185 trạm y tế xã, phường, thị trấn đều sử dụng phần mềm Quản lý Y tế cơ sở. Bên cạnh đó, ngành Y tế còn tích cực triển khai hệ thống tư vấn khám chữa bệnh từ xa tại các cơ sở khám chữa bệnh đến các cơ sở y tế tuyến huyện. Có 21 đơn vị đã được trang bị hệ thống hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa.

Để đảm bảo công tác tiêm chủng, toàn ngành đã triển khai hệ thống quản lý về thông tin tiêm chủng Quốc gia (http://tiemchung.gov.vn) tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, 15 trung tâm y tế huyện/thị xã/thành phố, 185 trạm y tế xã/phường/thị trấn và các điểm tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, toàn ngành cũng đã triển khai phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” nhằm cải thiện tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân và nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ tại các đơn vị y tế cơ sở.

Việc khám, chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD gắn chíp đã đem lại nhiều tiện ích cho người dân

Nhận định về thành tựu chuyển đổi số mang lại, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Vũ Quang - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho rằng, chuyển sổi số mang lại rất lớn đối với ngành y tế. Sở Y tế đã triển khai việc kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia đến các nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn tỉnh. Đến nay, có 2.208 cơ sở dược được cấp tài khoản kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu Dược quốc gia. Duy trì thực hiện hệ thống báo cáo Thống kê y tế theo Thông tư 37 của Bộ Y tế quy định chế độ báo cáo thống kê ngành Y tế.

Trong quá trình khám, điều trị, các bác sĩ dễ dàng tiếp cận các kiến thức và kỹ thuật y học mới nhất, giúp nâng cao chất lượng, sự an toàn cho bệnh nhân. Đồng thời giảm thiểu nguy cơ sai sót trong các quy trình y tế, đảm bảo sự chính xác và đáng tin cậy trong quản lý thông tin y tế. Thông qua hồ sơ bệnh án điện tử, hệ thống quản lý thông tin y tế, thông tin của bệnh nhân trở nên dễ dàng truy cập và chia sẻ giữa các bác sĩ, cơ sở khám chữa bệnh...

Mục tiêu của toàn ngành y tế là đảm bảo mỗi bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh đều có hồ sơ bệnh án điện tử. Tích cực số hóa, liên thông dữ liệu bệnh án, thông tin y tế liên quan được kết nối với nhau giữa các cơ sở khám chữa bệnh; cải tiến cho việc quản lý sức khỏe và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, qua đó giúp tăng cường khả năng phát hiện và đối phó với các vấn đề sức khỏe cộng đồng một cách nhanh chóng, chính xác- bác sĩ Nguyễn Hữu Vũ Quang nhấn mạnh.

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready