Đoàn nghệ nhân huyện Lắk sẽ phục dựng nghi lễ cúng mừng lúa mới tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột (05/03/2019, 15:04)

Theo đó đoàn nghệ nhân huyện Lắk sẽ tham gia trình diễn tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 với tiết mục phục dựng lại nghi lễ cúng mừng lúa mới của đồng bào dân tộc người M’Nông Gar tại buôn Jiê Yúk, xã Đắk Phơi.

Buôn Jiê Yúk, xã Đắk Phơi, huyện Lắk cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột hơn 60 km. Buôn được thành lập vào năm 1976, tên gọi của buôn được bắt nguồn từ các địa danh trong vùng. Từ “Jiê” được lấy từ tên một địa điểm là một đồng bằng rộng lớn do họ tộc Jiê quản lý, từ “Yúk” nghĩa là đồi núi bao quanh. Hiện nay buôn Jiê Yúk có tổng số 159 hộ với 876 nhân khẩu, chiếm 95% là người dân tộc M’Nông Gar. Trước đây cuộc sống của người dân chủ yếu là làm nông nghiệp, đặc biệt là gieo tỉa lúa cạn trên nương rẫy. Vì vậy trong hệ thống nghi lễ vòng đời cây lúa từ khi gieo hạt đến khi lúa về kho sẽ diễn ra 3 lễ cũng: Lễ cúng căm cây nêu trên rẫy (Chất ndah ba); Lễ cúng đã thu hoạch được một nửa diện tích (Muốt ba) và Lễ cúng lúa mới (Lir pứt m’pung ba ngết nơm phờ phúk). Trong đó lễ cúng lúa mới là nghi lễ cuối cùng và rất quan trọng. Lễ cúng lúa mới mang sắc thái, dấu ấn riêng đậm chất văn hóa truyền thống của người M’Nông Gar được lưu truyền từ bao đời nay, lễ cúng thường diễn ra vào tháng 12 dương lịch hàng năm, sau khi bà con đã thu hoạch xong mùa màng. Nhằm tạ ơn các vị thần linh đã cho mưa thuận gió hòa, tạ ơn tổ tiên ông bà đã phù hộ cho người dân mùa màng bội thu, thóc lúa đầy bồ no đủ cả năm.

Trong nghi lễ cúng mừng lúa mới của người M’Nông Gar gồm có các lễ vật: kho lúa, cây nêu, các bồ đựng lúa, 3 ché rượu cần, 1 con gà, 1 con heo, 1 chén đựng cơm rượu cần, 1 ống lồ ô. Tương truyền rằng ngày xưa nếu một gia đình được mùa màng bội thu thì người ta sẽ cúng bằng một lễ đâm trâu, trong lễ đâm trâu họ có làm lễ khóc thương cho con trâu. Theo thường lệ để bắt đầu lễ cúng lúa mới gia chủ sẽ thường chuẩn bị hơn 1 tuần đến hơn 1 tháng. Ngay từ sáng sớm mọi thành viên trong gia đình đều tất bật mỗi người một công việc, con trai đi bắt heo, bắt gà, vịt làm thịt; con gái thì nhóm lửa, luộc măng chua, nấu cơm, giã bột gạo, giã măng chua. Bà chủ nhà sẽ chỉ cho con trai hoặc chồng bưng ché rượu cần và dặn dò con gái mời bà con, anh em trong buôn làng đến chung vui với gia đình. Khi tất cả các lễ vật được chuẩn bị đầy đủ thì các thủ tục của nghi lễ cũng mừng lúa mới sẽ bắt đầu.

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, hầu như dân tộc nào cũng đều có nét văn hóa đặc sắc, độc đáo thông qua lễ hội. Hoạt động phục dựng các nghi lễ, lễ hội như bảo tàng sống về văn hóa của dân tộc đã được lưu truyền, kế thừa qua nhiều thế kỷ. Đối với dân cư cộng đồng sống trên dãy cao nguyên hùng vĩ, mừng lúa mới là lễ hội ra đời sớm nhất trong lễ hội của đồng bào nơi đây. Cuộc sống của con người Tây Nguyên gắn liền với nền sản xuất nương rẫy tự cung tự cấp, vì vậy lễ mừng lúa mới không thể thiếu được trong đời sống tâm linh của họ.

Trần Thái

Các tin khác

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready