Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19 như hiện nay thì việc kiểm soát chặt chẽ những người đến, về địa phương là vô cùng cần thiết. Bên cạnh nỗ lực của các ngành chức năng thì rất cần sự hợp tác, tự giác khai báo y tế của người dân khi bản thân hoặc gia đình có người thân từ nước ngoài hay từ địa bàn có dịch trở về địa phương.
Thế giới đang trải qua chuỗi ngày kinh hoàng khi phải đối mặt với một loại vi rút mang tên SARS-CoV-2. Trong đó, Việt Nam cũng đã bước sang giai đoạn 2 trong công tác phòng chống dịch bệnh này với khó khăn gấp bội phần. Trước đó, lẽ ra, Việt Nam đã có thể khống chế được dịch bệnh Covid-19, là một trong số ít quốc gia được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao khi đã từng duy trì được 22 ngày không ghi nhận thêm trường hợp nhiễm mới Covid-19, 16 bệnh nhân mắc Covid-19 đã được chữa khỏi hoàn toàn. Thế nhưng chỉ vì lời khai báo y tế gian dối của một số người đi về từ vùng dịch đã khiến dịch bệnh lây lan và gia tăng nhanh chóng. Điển hình là hai trường hợp bệnh nhân thứ 17 và 34 đi du lịch ở những vùng có dịch trên thế giới và trở về Việt Nam khi đã mang trong mình vi rút Sars- CoV-2 đã khiến cho cả hệ thống chính trị phải “gồng mình” ngày đêm xây dựng phương án, tìm mọi biện pháp để đối phó với dịch bệnh Covid-19 đang gia tăng từng ngày.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khai thác thông tin người đi về từ vùng dịch tại xã Cư K’Bang, huyện Ea Súp
Trong khi báo chí, dư luận xã hội chưa “nguôi cơn giận” vì những trường hợp vừa nêu trên thì mới đây, tại thành phố Đà Nẵng, có 5 trường hợp trốn khỏi khu cách ly tại Trung tâm Y tế quận Hải Châu (Đà Nẵng) khi đang cách ly theo quy định của Bộ Y tế. 5 trường hợp này là những người sống trong cùng gia đình với bệnh nhân thứ 35 (nhân viên Điện máy Xanh). Mặc dù họ có kết quả âm tính với Covid-19, song vẫn phải tiếp tục cách ly đủ thời gian theo yêu cầu của Bộ Y tế. Thế nhưng không biết vì lý do gì mà 5 trường hợp này lại phá khóa cửa sau để trốn về nhà. Sự việc này đã khiến ngành Y tế Đà Nẵng đã phải đến nhà vận động, thuyết phục những người này thì họ mới quay trở lại.
Thứ trưởng Bộ y tế Đỗ Xuân Tuyên tặng quà cho người đang cách ly tại Khu cách ly tập trung 333 Hà Huy Tập, thành phố Buôn Ma Thuột
Trong những cuộc họp gần đây, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, nếu chúng ta chậm trễ sẽ bị dịch bệnh hạ gục, vì vậy phải tìm mọi biện pháp hạn chế tối đa nguồn lây nhiễm. Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường khoanh vùng dịch bệnh, khử trùng đúng quy trình khẩn cấp, kịp thời. Mỗi doanh nghiệp, người dân, khu dân cư phải là pháo đài chống dịch. Thông điệp của Thủ tướng cho thấy, dù Chính phủ và cơ quan chức năng có nỗ lực, quyết liệt đến mấy mà không có sự hợp tác của người dân, mọi thành quả của cả hệ thống chính trị đều có thể “đổ sông đổ biển”. Sự hợp tác đó không phải là hành động đóng góp công sức, tiền của, mà chỉ đơn giản là thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Trong đó, việc quan trọng nhất là trung thực khai báo về tình trạng sức khỏe khi đi về từ vùng dịch, hoặc thông báo cho chính quyền biết lịch trình di chuyển, tiếp xúc nếu lỡ bị mắc bệnh để bảo vệ sức khỏe cho người thân và cộng đồng.
Việc mỗi cá nhân trung thực thực hiện khai báo y tế và phối hợp với ngành y tế trong việc tự giác cách ly không chỉ thể hiện trách nhiệm của bản thân trước cộng đồng mà còn nhằm đảm bảo quyền lợi được thụ hưởng. Những người đi từ vùng dịch trở về được tiến hành cách ly, nếu phát hiện bị mắc Covid-19 sẽ được điều trị hoàn toàn miễn phí. Trong khi các nước phát triển, tiên tiến khác, như: Mỹ, Anh hay Ý đều phải bỏ ra số tiền lớn để được điều trị bệnh. Thậm chí họ phải lựa chọn điều trị đối với những người có khả năng hồi phục. Rõ ràng, chế độ đãi ngộ của Chính phủ Việt Nam đang được cả thế giới đánh giá rất cao. Vì vậy, không có lý do gì để những công dân trở về phải khai báo gian dối về tình trạng sức khỏe cũng như lịch trình di chuyển. Bởi, khi kê khai gian dối có thể cả xã hội phải hứng chịu hậu quả nặng nề, cả hệ thống chính trị phải “oằn mình” xử lý hậu quả, tiêu hao công sức, tiền của để phòng chống dịch bệnh do hậu quả của cá nhân đó.
Dịch bệnh Covid-19 đang thử thách lòng trung thực và trách nhiệm của cộng đồng đối với mỗi công dân. Vì vậy, hơn lúc nào hết, mỗi cá nhân hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm, hãy phối hợp tốt với ngành y tế để góp phần cùng Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho toàn dân.
Mỹ Hạnh- Đình Thi
- Điểm tin một số văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh Đắk Lắk (Tuần 1 tháng 5/2025) (09/05/2025, 10:23)
- Tuyên truyền Cuộc thi tìm hiểu về 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/05/2025, 16:21)
- Tuyên truyền Kết luận số 137- KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị (06/05/2025, 16:16)
- Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (06/05/2025, 14:13)
- Kế hoạch tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025 tại tỉnh Đắk Lắk (05/05/2025, 10:36)
- Triển khai thực hiện Công điện số 29/CĐ-TTg, ngày 03/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ (28/04/2025, 15:25)
- Triển khai thực hiện Công điện số 50/CĐ-TTg, ngày 24/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ (28/04/2025, 10:33)
- Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (26/04/2025, 14:46)
- Đẩy mạnh triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (25/04/2025, 11:11)
- Điểm tin một số văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh Đắk Lắk (Tuần 3 tháng 4/2025) (25/04/2025, 11:00)
- Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng chống dịch Sởi trên địa bàn toàn tỉnh năm 2025, đợt 3 (25/04/2025, 10:33)