Đảm bảo nguồn vốn cho vay sản xuất, kinh doanh cà phê niên vụ 2022-2023 (13/01/2023, 20:36)

Ngày 12/1, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk cho biết, niên vụ cà phê 2022-2023, dự kiến nguồn vốn cho vay khoảng hơn 8.000 tỷ đồng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực cà phê của người dân và doanh nghiệp.

Sản xuất cà phê đặc sản ở HTX Cà phê Ea Tân huyện Krông Năng

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã ban hành công văn số 758/ĐAL-TH&KSNB chỉ đạo các chi nhánh NHTM trên địa bàn tập trung ưu tiên bố trí nguồn vốn để đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vay vốn đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực cà phê của các doanh nghiệp, hộ gia đình trên địa bàn, đặc biệt là lúc cao điểm tháng 11,12/2022 và tháng 01/2023.

Các chi nhánh Ngân hàng thương mại trên địa bàn cam kết đáp ứng nhu cầu vay vốn của  doanh nghiệp, người dân sản xuất kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh (niên vụ 2022-2023), trước mắt, dự kiến nguồn vốn cho vay khoảng hơn 8.000 tỷ đồng. Sau khi được Hội sở chính phân bổ thêm nguồn vốn hoạt động, các chi nhánh NHTM tiếp tục cân đối để ưu tiên cho vay đối với lĩnh vực cà phê.

Thống kê doanh số cho vay (bao gồm trồng mới, chăm sóc, thu mua, xuất khẩu) cà phê niên vụ 2021 – 2022 bình quân đạt 20.754 tỷ đồng, cao hơn doanh số bình quân niên vụ 2020-2021 khoảng 3.777 tỷ đồng.

Cà phê đặc sản cần chú tâm và chuyên nghiệp ở tất cả các khâu.

Dư nợ cho vay cà phê bình quân niên vụ 2021 -2022 đạt 20.961 tỷ đồng, thời điểm cao nhất dư nợ đạt 23.959 tỷ đồng, thời điểm thấp nhất dư nợ đạt 19.641 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ bình quân cho vay trồng trọt đạt 12.798 tỷ; thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu đạt 6.362 tỷ đồng; chế biến, bảo quản đạt 1.201 tỷ đồng. Vào chính vụ (từ tháng 1- 5) dư nợ cho vay thu mua, xuất khẩu cà phê đạt mức cao trên 8.371 tỷ đồng; Đến tháng 9/2022, dư nợ cho vay cà phê đạt 19.641 tỷ đồng, chiếm 14,92% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn tỉnh, với 115.756 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 13.396 tỷ đồng (chiếm 68,2 % dư nợ cho vay cà phê), cho vay trung hạn đạt 6.245 tỷ đồng (chiếm 31,8% dư nợ cho vay cà phê).

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Đắk Lắk, diện tích cà phê niên vụ 2021-2022 đạt 213.336 ha, tăng 3.381 ha so với Niên vụ trước, trong đó diện tích cho sản phẩm 199.904 ha, tăng 4.906 ha so với Niên vụ 2020-2021, năng suất bình quân đạt 26,34 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 526.793 tấn, tăng 17.894 tấn so với Niên vụ trước. Năng suất cà phê hiện nay tăng là do một số diện tích cà phê tái canh đã được người dân sử dụng các giống mới, chất lượng cao, đồng thời việc chăm sóc thâm canh cũng được chú trọng hơn.

Đắk Lắk hiện có 255 cơ sở chế biến cà phê, trong đó có 239 cơ sở sản xuất cà phê bột, 13 cơ sở vừa sản xuất cà phê bột và cà phê hòa tan, 10 cơ sở sơ chế cà phê nhân xô xuất khẩu, 02 cơ sở vừa sản xuất cà phê bột và tinh cà phê, 01 Cơ sở sản xuất tinh cà phê.

Kim Bảo

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh

​​​

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready