Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên: tập trung tuyên truyền, hỗ trợ cho đối tượng chưa tham gia (24/08/2017, 15:04)

    Bước vào năm học mới 2017-2018, Bảo hiểm xã hội tỉnh đang triển khai phối hợp với đơn vị liên quan quyết liệt thực hiện các giải pháp tuyên truyền rộng rãi, tăng cường tham mưu giải pháp hỗ trợ cho đối tượng học sinh, sinh viên chưa tham gia bảo hiểm, nhằm hướng đến mục tiêu “phủ sóng” hoàn toàn bảo hiểm học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.

      Nâng cao tỉ lệ sinh viên tham gia

Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi quy định học sinh, sinh viên là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc nhưng thực tế vẫn còn số lượng không nhỏ học sinh, sinh viên ở một số trường học chưa tham gia. Đó là nhận định của ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh khi chia sẻ về những khó khăn của Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên hiện nay.

Có dịp khảo sát thực tế tại Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên mới thấy hết cái khó của việc vận động sinh viên tham gia bảo hiểm y tế. Cô Hoàng Thị Kim Ngân- Trưởng Ban quản lý ký túc xá- nhà ăn- y tế phải thừa nhận rằng, tỷ lệ tham gia có xu hướng giảm dần từ năm thứ 2. Bởi trong năm đầu tiên, 100% sinh viên đều tham gia BHYT do nằm trong “gói” các khoản thu nộp bắt buộc khi nhập học. Tuy nhiên, từ năm thứ hai trở đi, khá nhiều sinh viên lơ là tham gia BHYT, mặc dù trường có nhiều hình thức thông báo đến từng lớp học, tuyên truyền tại buổi sinh hoạt và thậm chí gửi thông báo việc đóng BHYT về tận nhà phụ huynh sinh viên ở các địa phương nhưng vẫn ít có chuyển biến. Hiện nay trong tổng số 1.476 sinh viên của Trường, chỉ có 23% số sinh viên có thẻ BHYT, hơn một nửa số sinh viên còn lại chưa tham gia BHYT.

Một thực trạng khác mà bà Hồ Thị Mãn, cán bộ công tác y tế Ban quản lý Ký túc xá - nhà ăn - y tế dẫn chứng như  nguyên nhân phổ biến khiến cơ sở giáo dục gặp khó. Đó là những sinh viên không biết gia đình thuộc diện hỗ trợ hoặc đã mua BHYT ở địa phương hay chưa, một số học sinh được gia đình giao tiền đầy đủ nhưng lại chi tiêu cá nhân mà không mua thẻ BHYT; trong khi đó những sinh viên khác hoàn cảnh gia đình khó khăn, việc tăng số tiền đóng BHYT theo mức tăng lương cơ sở cũng khiến họ ngần ngại, không tham gia…Tại trường năm học 2015-2016 đã có 02 trường hợp Khoa Cơ điện và Xây dựng bị tai nạn giao thông khi về thăm gia đình phải điều trị tốn rất nhiều chi phí cũng vì những lí do nêu trên. Gia đình có nhờ phía nhà trường hỗ trợ để giảm gánh nặng viện phí nhưng cũng không giải quyết được. Thực tế hiện nay các trường đều thiếu sinh viên việc thu hút học sinh vẫn là ưu tiên hàng đầu, nếu đưa ra chế tài khắt khe với điều kiện này dễ dẫn đến tình trạng học sinh sẽ không tiếp tục theo học.

Tham gia bảo hiểm y tế học sinh sinh viên sẽ giảm bớt rủi ro cho các em trong quá trình học tập

Theo thống kê của Phòng Khai thác và Thu nợ Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk trong tổng số 23 Trường Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, Đại học do bảo hiểm tỉnh phụ trách theo dõi chỉ tiêu, chỉ có 07 đơn vị đạt tỷ lệ 100% sinh viên tham gia. Ở các trường Trung cấp chuyên nghiệp tỉ lệ tham gia trên 50% vẫn ít, một số trường có dấu hiệu chững lại. Điển hình như Trường Trung cấp Đam san tổng số 948 học sinh, tỷ lệ tham gia mới được 5,91%. Hay như Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột có 300 sinh viên, tỷ lệ tham gia đạt 29%. Lý giải về những bất cập này, ông Lê Xuân Khánh, Trưởng Phòng Khai thác và Thu nợ cho rằng vẫn thiếu “cây gậy chế tài”, nhà trường chưa có căn cứ pháp lý để xử lý kỷ luật đối với những học sinh, sinh viên cố tình chây ì, không đóng BHYT.

Giải pháp hướng đến mục tiêu 100%

Báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết, toàn tỉnh có 177.194 học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế tại trường (đạt tỷ lệ 83%), tăng 3% so với năm học trước. Một số địa bàn có số học sinh tham gia BHYT đạt tỷ lệ thấp dưới mức bình quân của toàn tỉnh như các huyện Buôn Đôn 71%, Ea Súp 73%, Cư Kuin, Cư M’gar và Ea Kar 76%, Krông Pắk 77% và thị xã Buôn Hồ 80%... Nguyên nhân của nhóm đối tượng chưa tham gia BHYT thuộc hộ gia đình đông con có hoàn cảnh khó khăn, hộ gia đình làm nông có mức sống trung bình và hộ gia đình mới thoát vùng khó khăn theo quy định của Chính phủ.

Tuyên truyền chính sách bảo hiểm y tế cho hội viên phụ nữ tại huyện Ea H’Leo

Vì vậy để giúp nâng cao tỷ lệ ở địa bàn này, bà Nguyễn Thị Xuân – Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho rằng, kinh nghiệm từ những đơn vị trường học đạt tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT cao cho thấy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ ban giám hiệu đến tổ chức công đoàn, giáo viên chủ nhiệm và hội phụ huynh học sinh. Ngoài ra còn có sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương. Việc giao chỉ tiêu đạt tỷ lệ học sinh tham gia BHYT vào nội dung thi đua giữa các trường, giữa các địa phương là cách làm hay, rất cần duy trì và phát huy để năm học này có 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT.

 Hiện nay, BHXH tỉnh đang tiếp tục đề xuất UBND tỉnh dùng nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ thêm mức đóng BHYT HSSV theo quy định, tạo điều kiện cho các em ở vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận chính sách này; phối hợp với ngành Giáo dục quản lý và sử dụng hiệu quả kinh phí được trích từ BHYT HSSV để lại cho trường học nhằm củng cố và phát triển mạng lưới y tế học đường để chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho HSSV ngay tại nhà trường, nhằm giảm bớt gánh nặng về tài chính cho gia đình khi các em không may ốm đau, bệnh tật nhất là hiện nay giá dịch vụ y tế đang tăng theo lộ trình.

Ngoài ra, ngành Bảo hiểm sẽ tăng cường phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách BHYT nói chung, BHYT HSSV nói riêng đến mọi tầng lớp nhân dân để họ nắm được ý nghĩa, tầm quan trọng, nghĩa vụ, quyền lợi khi tham gia BHYT, vì đây là loại hình bảo hiểm bắt buộc mà HSSV cũng có trách nhiệm tham gia, đồng thời giáo dục cho các em ý thức trách nhiệm và sẻ chia với cộng đồng chấp hành pháp luật ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Với mức lương cơ sở hiện hành, một thẻ BHYT học sinh, sinh viên có mức tiền là 702.000 đồng, trong đó: Học sinh, sinh viên đóng 70% (tương đương 491.400 đồng), ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% (tương đương 210.600 đồng). Đối với học sinh, sinh viên đã có thẻ BHYT thuộc các nhóm đối tượng khác như diện hộ nghèo, cận nghèo, thân nhân quân nhân… đã được cấp thẻ BHYT bắt buộc, thì cơ sở giáo dục lập danh sách riêng để theo dõi và tính chung vào tỷ lệ tham gia BHYT của nhà trường để được cấp kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Cơ sở giáo dục có trách nhiệm lập danh sách học sinh, sinh viên, thu tiền đóng BHYT. Đối với học sinh vào lớp 1 và sinh viên năm thứ nhất, thời hạn ghi trên thẻ là từ ngày nhập học hoặc ngày hết hạn của lần cấp trước đến 31/12 năm sau. Học sinh lớp 12 và sinh viên năm cuối, thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT từ ngày 1/1 đến ngày cuối cùng của tháng kết thúc năm học đó.

 

Kim Bảo

Các tin khác
Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready