Hiệu quả từ chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (02/02/2016, 10:31)

Sau 5 năm triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Đắk Lắk (Agribank Đắk Lắk) đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, sáng tạo để đưa nguồn vốn đến hàng trăm ngàn hộ dân, qua đó góp phần cải thiện đời sống của người dân, đẩy nhanh quá trình phát triển KT-XH trên địa bàn.

Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/04/2010 của Chính phủ (Nghị định 41) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thay thế Quyết định 67/1999/QĐ-TTg được đánh giá là một bước phát triển mới trong việc thể chế hoá quan điểm của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 7 (khoá X) của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Khác với Quyết định 67/1999/QĐ-TTg, Nghị định 41 mở rộng phạm vi cho tất cả các tổ chức tín dụng cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời một lần nữa khẳng định chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn là một hệ thống các biện pháp chính sách của Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay, đầu tư vào lĩnh vực này nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, xoá đói giảm nghèo cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần từng bước nâng cao đời sống người dân.

Ông Lê Phạm Mạnh đang trò chuyện cùng các cán bộ của Agribank chi nhánh huyện M’Đrắk

Xác định đây là nhiệm vụ chính trị của ngành Ngân hàng đối với chính sách “Tam nông” của Đảng, với ưu thế vượt trội về nguồn lực tài chính, mạng lưới, nguồn nhân lực và kinh nghiệm tích lũy được sau 10 năm thực hiện Quyết định 67/1999/QĐ-TTg, Agribank Đắk Lắk đã triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp để đưa nguồn vốn nhanh chóng vào phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn như: chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khảo sát nắm bắt tình hình KT-XH tại địa phương, nắm bắt nhu cầu về vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tham mưu với chính quyền địa phương, phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp để tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị định 41; tuyên truyền về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn đến khách hàng doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình và các tổ chức chính trị - xã hội gắn với việc tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ để đáp ứng nhu cầu tài chính của khách hàng; cho vay hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ; cho vay tái canh cà phê… Nhờ đó mà khách hàng chủ động trong việc lập dự án, tiếp cận sớm được với nguồn vốn vay.

Sau 5 năm triển khai Nghị định 41, doanh số cho vay của Agribank Đắk Lắk đạt 53.813 tỷ đồng, với 466.229 lượt khách hàng vay vốn, chiếm tỷ lệ 72% số khách hàng được tiếp cận vay vốn theo Nghị định 41 trên địa bàn (toàn tỉnh có hơn 30 tổ chức tín dụng cùng thực hiện chính sách tín dụng này). Doanh số thu nợ là 44.344 tỷ đồng, dư nợ cho vay theo Nghị định 41 đạt 9.469 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 91%/tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, tăng so với thời điểm 30/6/2010 (khi bắt đầu triển khai cho vay theo Nghị định 41) là 2.313 tỷ đồng. Việc thực hiện cho vay theo Nghị định 41 đã tạo điều kiện cho khách hàng khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, góp phần thiết thực vào quá trình phát triển KT-XH trên địa bàn, thúc đẩy tăng trưởng bền vững; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân được quan tâm đầu tư đúng mức, nâng cao giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích, tạo thêm nhiều sản phẩm hàng hóa cho xã hội, góp phần tạo thêm việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống cho hàng trăm ngàn hộ nông dân địa phương.

Gia đình anh Nguyễn Văn Xong vay 200 triệu đồng của Agribank chi nhánh huyện M’Đrắk để đầu tư trồng mía

5 năm qua, thông qua các nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhiều gia đình đã thoát nghèo nhờ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và đầu tư phát triển kinh tế có hiệu quả. Cách đây 5 năm, ông Lê Phạm Mạnh (ở thôn 3, xã Ea M’lay, huyện M’Đrắk) có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến việc mình sẽ có một cơ ngơi khá giả như ngày hôm nay. Trước đây, từ nguồn vốn vay cùng với nguồn vốn tích lũy, gia đình ông chỉ tập trung sản xuất nhỏ lẻ thông qua việc chăn nuôi bò, trồng cà phê, trồng mì, tuy nhiên năng suất và hiệu quả mang lại thấp, lại không mang tính ổn định lâu dài. Nhận thấy điều kiện tự nhiên ở đây thích hợp trồng rừng, đặc biệt từ khi có Nghị định 41 ra đời, ông đã mạnh dạn vay hơn 400 triệu để đầu tư trồng các loại cây như keo lai, bầu gió... Từ chương trình tín dụng của Nhà nước, gia đình ông đã có thêm nguồn vốn để mở rộng sản xuất, đến nay đã trồng được gần 120 ha rừng. Bên cạnh đó, ông còn mạnh dạn đầu tư làm đường, hệ thống kênh mương, điện nhằm phục vụ tốt hơn cho sản xuất, 5 năm trở lại đây, trừ hết chi phí đầu tư mỗi năm gia đình ông thu lãi từ 400 - 500 triệu đồng.

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Văn Xong (ở thôn Ea Tê, xã Krông Jing, huyện M’Đrắk) trước đây chủ yếu trồng đậu, trồng ngô và các loại cây hoa màu ngắn ngày khác, do sản xuất nhỏ lẽ nên không có đủ điều kiện để vay vốn, nhờ có Nghị định 41 với nhiều ưu đãi về vốn vay mà gia đình anh đã mạnh dạn vay 200 triệu để đầu tư trồng 8 ha mía, mỗi năm thu lãi trên 50 triệu/ha. 

Đánh giá về hiệu quả của Nghị định 41, tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 41 và triển khai Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng chí Y Bier Niê -  Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng việc ban hành Nghị định 41 đã tạo thêm động lực để người dân mở rộng quy mô, đẩy mạnh phát triển kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bộ mặt nông thôn đã thay đổi rõ nét, hình thành nhiều mô hình kinh tế mới, phát triển kinh tế trang trại, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo công ăn việc làm cho người dân, cải thiện và nâng cao điều kiện sống của cư dân vùng nông thôn. Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh, chung tay cùng hệ thống chính trị thực hiện chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Agribank Đắk Lắk vinh dự nhận bằng khen của UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai, thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ

Có thể khẳng định, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ đã và đang đi vào cuộc sống, nhất là việc Chính phủ vừa ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định 41 với nhiều nội dung được chỉnh sửa phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn như: bổ sung đối tượng được vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, chủ trang trại, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã...lên gấp 1,5 đến 2 lần so với quy định hiện nay; quy định mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với một số lĩnh vực đặc thù có nhu cầu vốn lớn trong sản xuất nông nghiệp; khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, mô hình ứng dụng công nghệ cao… Nghị định 55/2015/NĐ-CP sẽ tiếp tục phát huy những ưu thế sẵn có và đáp ứng được nhu cầu tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của người dân.

Minh Huệ

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh
Quảng Cáo
   

​​​  ,

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready