Hội thảo rừng trồng gỗ lớn ở Tây Nguyên:Thách thức, cơ hội và định hướng phát triển (14/06/2019, 14:35)

Sáng 14/6, Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp nhiệt đới phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Đắk Lắk tổ chức Hội thảo rừng trồng gỗ lớn ở Tây Nguyên thách thức, cơ hội và định hướng phát triển. Tham dự Hội thảo có hơn 70 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu về Lâm nghiệp, đơn vị quản lý rừng các tỉnh Tây Nguyên và Trường Đại học Tây Nguyên.

Các đại biểu dự Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe 06 tham luận tập trung vào nội dung: Thực thi chính sách trồng rừng ở Việt Nam và Tây Nguyên kết quả, thách thức và khuyến nghị; Trồng rừng gỗ lớn ở Tây Nguyên thực tiễn và khuyến nghị giải pháp; Trồng rừng ở tỉnh Lâm Đồng kết quả và khuyến nghị của các nhà khoa học; Chủ rừng hợp tác với doanh nghiệp trong đầu tư trồng rừng gỗ lớn ở Tây Nguyên- Trường hợp ở Công ty Lâm nghiệp Lắk; khai thác rừng để trồng lại rừng kinh nghiệm ở Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên. Trên cơ sở bài tham luận, các đơn vị cùng thảo luận các giải pháp, sáng kiến áp dụng, nhân rộng mô hình trồng rừng gỗ lớn cho mục tiêu phòng hộ và sản xuất ở Tây Nguyên trong thời gian tới.

PGS.TS Võ Đại Hải – Viện Khoa học Nông Lâm nghiệp Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo

Trồng rừng gỗ lớn là rừng trồng có tối thiểu 70% số cây đứng trên diện tích có đường kính tại vị trí 1,3 m (D1,3) từ 20cm trở lên đối với cây sinh trưởng nhanh, hoặc từ 30 cm trở lên đối với cây sinh trưởng chậm ở tuổi khai thác chính. Ở Tây Nguyên có thể bổ sung thêm một số loài có khả năng trồng rừng gỗ lớn như: Dầu rái, Sao đen, Tếch, Thông ba lá, Xoan đào…

Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh phát biểu tại Hội thảo

Thực trạng trồng rừng gỗ lớn ở Tây Nguyên đã có một số mô hình trồng rừng gỗ lớn có triển vọng thành công, được trồng thuần loài nông lâm nghiệp và trồng rừng dưới tán theo lỗ trống để làm giàu rừng thứ sinh của một số loài cây bản địa thích nghi điều kiện đất đai, khí hậu vùng Tây Nguyên. Tại Đắk Lắk, một số doanh nghiệp đã triển khai trồng rừng thông ba lá ở Lắk (Công ty Tân Mai); trồng Tếch  làm giàu rừng khộp ở Ea H’Leo (Công ty TNHH Lâm nghiệp Ea Wy).

Đại diện Trung tâm khuyến nông tỉnh Đắk Lắk tham gia phát biểu tại Hội thảo

Hiện nay, nhu cầu về gỗ nguyên liệu phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu ngày càng tăng trong khi tiềm năng cung cấp nguyên liệu này từ rừng tự nhiên ngày càng giảm. Điều này đòi hỏi các tỉnh phải gia tăng diện tích và chất lượng rừng trồng để đáp ứng nhu cầu này.

Tuy nhiên, thách thức hiện nay trồng rừng gỗ lớn ở Tây Nguyên là quỹ đất thường sử dụng chọn trồng cây công nghiệp có giá trị xuất khẩu như: cao su, cà phê, điều, cây ăn quả,…Khu vực Tây Nguyên chưa có nhà máy chế biến gỗ lớn, thiếu chính sách cho vay để khuyến khích phát triển mô hình trồng rừng gỗ lớn.

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh tham gia ý kiến tại Hội thảo

Về định hướng, nhiều nhà nghiên cứu khuyến nghị, Đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, đến năm 2020, diện tích vùng rừng trồng gỗ lớn trên cả nước vào khoảng 1,2 triệu ha, để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ. Hiện tại sản xuất gỗ trong nước chỉ đáp ứng 20% nguyên liệu cho chế biến, còn 80% phải nhập khẩu. Diện tích rừng gỗ lớn của nước ta chỉ đạt 20%.

TS. Võ Hùng – Trường Đại học Tây Nguyên công bố kết quả nghiên cứu về trồng rừng gỗ lớn ở Tây Nguyên

Do đó, các tỉnh Tây Nguyên cần có quy hoạch cụ thể diện tích rừng trồng gỗ lớn; miễn giảm tiền thuê đất và thuế đất đối với diện tích rừng trồng gỗ lớn, chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn chu kỳ dài; nghiên cứu chọn tạo giống có chất lượng kể cả mua công nghệ để chuyển giao nhanh; thí điểm chính sách bảo hiểm đối với rừng trồng kinh doanh gỗ lớn để người trồng rừng yên tâm đầu tư kinh doanh.

Hội thảo sẽ diễn ra trong 01 ngày với nhiều phiên thảo luận chung giữa chuyên gia với các tỉnh Tây Nguyên để có định hướng phát triển, quy mô, giải pháp cụ thể cho từng địa phương.

Kim Bảo

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh
Quảng Cáo
   

​​​  ,

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready