Hội thảo tham vấn phục hồi cảnh quan rừng gắn với cải thiện sinh kế cộng đồng lưu vực sông Sêrêpốk (23/11/2018, 17:54)

Sáng 23/11, Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp nhiệt đới (Trobenpos) phối hợp với Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức Hội thảo tham vấn phục hồi cảnh quan rừng gắn với cải thiện sinh kế cộng đồng lưu vực sông Sêrêpốk. Tham dự Hội thảo có Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trúc- Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên, Tiến sĩ Vương Hữu Nhi – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh; chuyên gia của Trobenpos, thành viên các nhóm nghiên cứu; UBND huyện Lắk, Krông Bông.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Theo số liệu công bố từ nhóm nghiên cứu, rừng ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung đã và đang bị suy giảm nghiêm trọng về cả diện tích và chất lượng. Tại Đắk Lắk, huyện Krông Bông, từ năm 2010-2017 diện tích rừng giảm 12.972 ha; huyện Lắk giảm 121,41 ha tính từ năm 2015-2017. Mất rừng đã gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, nguồn nước và an ninh lương thực của người dân.

Đại diện Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp nhiệt đới phát biểu tại Hội thảo

Về diện tích rừng giao cho chủ thể quản lý, UBND huyện Krông Bông hiện quản lý 22.344 ha, UBND huyện Lắk quản lý 10.388 ha. Thách thức trong phục hồi rừng hiện nay đối với chủ thể quản lý rừng là cộng đồng và hộ gia đình là rừng bị giao chồng lấn và lấn chiếm không thể thu hồi được; nhiều hộ, nhóm không xác định được ranh giới rừng được giao; nguy cơ tranh chấp đất rừng được giao cho nhóm hộ; thiếu cơ chế hưởng lợi cụ thể cho hộ và cộng đồng để họ có thể tham gia bảo vệ và phát triển những diện tích rừng nghèo được giao.

Tiến sĩ Cao Thị Lý – Trường Đại học Tây Nguyên công bố kết quả nghiên cứu  tại Hội thảo

Từ những khảo sát thực tiễn tại các địa bàn, nhóm nghiên cứu cho rằng, các nguyên nhân chính tác động đến nỗ lực phục hồi rừng do rừng giao cho cộng đồng nhóm hộ, hộ gia đình đa phần là rừng nghèo, người dân khó khăn về vốn đầu tư trồng rừng, gián bán sản phẩm rừng trồng thấp nên e ngại đầu tư trồng rừng. Người dân gặp khó khi xử lý các trường hợp vi phạm lấn chiếm trên rừng được giao. Người dân canh tác chưa chọn được cây trồng phù hợp trên từng loại rừng. Việc hưởng lợi từ rừng chưa góp phần đáng kể vào cải thiện thu nhập nên người dân chưa quan tâm bảo vệ rừng.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trúc – Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên phát biểu tại Hội thảo

Bên cạnh việc công bố nghiên cứu, Hội thảo còn tập trung nghe tham luận về thực trạng và hiệu quả quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp của các chủ thể liên quan, chia sẻ của các cộng đồng địa phương về phục hồi rừng gắn với cải thiện sinh kế; đề xuất hướng chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình.

Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo

Qua đó, các khuyến nghị đưa ra từ Hội thảo sẽ giúp các nhà quản lý, hoạch định chính sách có cơ sở để đề xuất giải pháp ưu tiên  phục hồi rừng cảnh quan rừng ở Tây Nguyên gắn với cải thiện sinh kế cộng đồng trong thời gian tới.

Theo đánh giá từ các chuyên gia, lưu vực sông Sêrêpốk thuộc tỉnh Đắk Lắk là một trong những vùng có tiềm năng lớn về lâm nghiệp của Tây Nguyên. Rừng là nguồn sinh kế đặc biệt cho các hộ dân và cộng đồng tại lưu vực. Đại diện Tropenbos và nhóm nghiên cứu khuyến nghị huyện Lắk và Krông Bông cần thực hiện chủ trương thu hồi và giao đất rừng cấp chứng nhận quyền sử dụng đất và rừng cho từng hộ dân; hỗ trợ rừng phòng hộ; chính sách hưởng lợi, chi trả cho dân bảo vệ rừng tự nhiên còn lại; cho vay ưu đãi để người dân trồng rừng, phục hồi rừng, thử nghiệm và phát triển nông lâm kết hợp; liên kết và hỗ trợ từ phía cơ quan khuyến nông, nông nghiệp về giống, kỹ thuật và thị trường; gắn kết chương trình dự án phát triển nông thôn để xây dựng đường vận chuyển sản phẩm từ rừng…

 

 

Kim Bảo

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh
Quảng Cáo
   

​​​  ,

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready