Thành phố Hồ Chí Minh và Đắk Lắk ký kết hợp tác phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2025 (30/12/2022, 16:36)

Chiều 29/12, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh vùng Tây Nguyên đã ký kết Bản thỏa thuận Hợp tác phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2025.

Trọng tâm hợp tác giữa các địa phương tập trung vào lĩnh vực du lịch; kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực; y tế, giáo dục, nông nghiệp.

Chương trình ký kết này nằm trong khuôn khổ Hội nghị Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TPHCM với các tỉnh vùng Tây Nguyên sau 11 năm triển khai được tổ chức tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Lãnh đạo TPHCM và UBND các tỉnh vùng Tây Nguyên ký kết thoả thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM với các tỉnh vùng Tây Nguyên đến năm 2025. Ảnh: Đoàn Kiên

Cụ thể hợp tác giữa TPHCM và tỉnh Kon Tum gồm phát triển năng lượng tái tạo, cây dược liệu; phát triển khu kinh tế, các khu – cụm công nghiệp; hợp tác phát triển các khu du lịch.

Với tỉnh Đắk Lắk, TPHCM sẽ cùng phát triển năng lượng tái tạo; công nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê; phát triển các trung tâm dịch vụ thương mại, trung chuyển hàng hóa; phát triển du lịch.

TPHCM và tỉnh Gia Lai sẽ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cây dược liệu; công nghiệp chế biến, công nghiệp phát triển năng lượng tái tạo; du lịch.

TPHCM và tỉnh Đắk Nông sẽ hợp tác thu hút các nhà đầu tư có năng lực để phát triển ngành du lịch; liên kết trong chế biến, tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh Đắk Nông; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Với tỉnh Lâm Đồng, TPHCM sẽ hợp tác phát triển ngành dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao; nông nghiệp công nghệ cao; liên kết tiêu thụ nông sản.

Mục tiêu của hợp tác nhằm chuyển hóa tiềm năng, lợi thế của các bên thành giá trị cụ thể, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và vùng. Đồng thời, tạo cầu nối để doanh nghiệp liên kết, hợp tác; thúc đẩy hợp tác công – tư trên nguyên tắc cùng có lợi và mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Trong 11 năm qua, Chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TPHCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực: đầu tư, xúc tiến đầu tư và thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục,…

Theo đánh giá của các tỉnh Tây nguyên, Chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TPHCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết nhiều việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và kỳ vọng sẽ tiếp tục là động lực để vùng Tây Nguyên bứt phá trong thời gian tới.

Báo cáo tại hội nghị đã chỉ rõ, vùng Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển Tây Nguyên nhanh và bền vững có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước. Tây Nguyên là vùng có thế mạnh sản xuất các sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao, nhất là các cây công nghiệp, cây ăn quả.

Tuy nhiên, Tây Nguyên cũng còn những hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế. Tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại; GRDP bình quân đầu người vẫn còn ở mức thấp.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TPHCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên là hoạt động liên kết kinh tế mở nhằm tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp của các địa phương.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho các doanh nghiệp tại hội nghị. Ảnh: Đ. K

Kết quả hợp tác giữa TPHCM với các vùng Tây Nguyên bước đầu đạt được những thành tựu nhất định, cụ thể trong các lĩnh vực như thương mại, công nghiệp, nông – lâm – thủy sản, hợp tác đầu tư, nhất là du lịch và các hoạt động an sinh – xã hội…

Theo người đứng đầu chính quyền thành phố, việc hợp tác giữa TPHCM và các tỉnh Tây Nguyên có thành tựu. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực năng lượng tái tạo (Kon Tum, Gia Lai); nông nghiệp công nghệ cao (Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông); cây dược liệu (Kon Tum, Gia Lai); công nghiệp sản xuất, chế biến nông sản (Gia Lai, Đắk Lắk); du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao; nông nghiệp công nghệ cao, liên kết tiêu thụ nông sản (Lâm Đồng)…

Chủ tịch UBND TPHCM cho biết Thành phố cam kết tiếp tục cùng với các tỉnh Tây Nguyên, các bộ ngành Trung ương nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Đối với từng nội dung hợp tác cụ thể giữa TPHCM với từng địa phương, Thành phố sẽ phân công cụ thể các đồng chí trong Thường trực UBND và các sở, ngành liên quan chủ trì để xây dựng kế hoạch cụ thể, thực chất, góp phần phát huy tiềm năng của các địa phương vào sự phát triển chung của khu vực, của từng địa phương và của cả nước.

Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM và lãnh đạo các địa phương đã trao 29 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên với TPHCM trên nhiều lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến…

Kim Bảo

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh
Quảng Cáo
   

​​​  ,

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready