Tọa đàm khoa học đề tài cấp Quốc gia về “Nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội”. (14/04/2018, 12:46)

Sáng 14/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phối hợp với Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức buổi Tọa đàm khoa học đề tài cấp Quốc gia về “Nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội”.

Tham dự buổi Tọa đàm có Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, chủ nhiệm Đề tài; ông Y Biêr Niê - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; PGS.TS Lê Quốc Hội – Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Phát triển, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; đại diện Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh; đại diện Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố và các Sở, ngành liên quan.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm.

Hoạt động giám sát của cơ quan dân cử là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội, HĐND các cấp. Những quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 đã tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, qua đó từng bước đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, đảm bảo cho hoạt động của quản lý nhà nước các cấp ngày càng được công khai, minh bạch.

Trong những năm qua, công tác an sinh xã hội luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, Hiến pháp năm 2013 đã ghi rõ “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”. Nhiều bộ Luật, văn bản chính sách có liên quan đến lĩnh vực an sinh xã hội đã được ban hành góp phần bảo đảm ngày càng tốt hơn công tác an sinh xã hội của người lao động, người già, người thất nghiệp, ốm đau bệnh tật và có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Mặc dù vậy, việc thực thi chính sách pháp luật về an sinh xã hội đang còn nhiều bất cập, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn thấp...nên cần phải tăng cường hoạt động giám sát về lĩnh vực này.

Ông Y Khút Niê – Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tham luận kiến nghị một số giải pháp nâng cao hiệu quả giám sát an sinh xã hội.

Để nâng cao hiệu quả giám sát về an sinh xã hội, ông Y Khút Niê – Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị cần xây dựng kế hoạch khảo sát, giám sát hợp lý, phù hợp với thực tiễn ở địa phương; tăng cường đại biểu chuyên trách am hiểu sâu về lĩnh vực an sinh xã hội; sửa đổi Luật Giám sát trong việc quy định số lượng đại biểu thành viên vì đa số đại biểu kiêm nhiệm; cần có chế tài, trách nhiệm pháp lý trong việc cung cấp thông tin, số liệu của cơ quan, đơn vị, địa phương chịu sự giám sát.

Đại diện Thường trực HĐND tỉnh, ông Nguyễn Thanh Hiệp – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, từ năm 2012 đến năm 2017, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh đã tổ chức 61 cuộc giám sát chuyên đề, trong đó có 26 chuyên đề về giám sát an sinh xã hội, chiếm 42,6%. Nội dung giám sát khá phong phú như chính sách bảo hiểm y tế, đào tạo nghề, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chính sách người có công, chính sách nhà ở, xây dựng nông thôn mới. Để nâng cao hiệu quả giám sát, HĐND tỉnh kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ hoạt động giám sát của cơ quan dân cử theo hướng kiến nghị sau giám sát phải được theo dõi, chỉ đạo nghiêm túc thực hiện, có chế tài xử lý đối với những cơ quan, đơn vị, địa phương không thực hiện hoặc chậm thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, trao đổi về tình hình xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát; đánh giá về những khó khăn, tồn tại, bất cập trong hoạt động giám sát nói chung và hoạt động giám sát về an sinh xã hội nói riêng; kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả giám sát pháp luật về an sinh xã hội...

Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, chủ nhiệm Đề tài phát biểu đề dẫn Tọa đàm.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, chủ nhiệm Đề tài cho biết, trên cơ sở tổng kết 70 năm của Quốc hội, Ủy ban các vấn đề của Quốc hội đã đề xuất và được giao thực hiện đề tài trên với mục tiêu hoàn thiện cơ sở lý luận và cung cấp căn cứ thực tiễn cho việc đổi mới và nâng cao hiệu quả, hiệu lực giám sát của Quốc hội, HĐND đối với việc thực thi chính sách, pháp luật an sinh xã hội ở nước ta. Để đánh giá thực tiễn tổ chức giám sát an sinh xã hội ở các địa phương, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ tổ chức Tọa đàm, Hội thảo tại 6 địa phương, trong đó có tỉnh Đắk Lắk, qua đó nghiên cứu xây dựng cơ sở lý luận cho việc giám sát thực thi chính sách pháp luật về an sinh xã hội một cách có hiệu quả.

Thế Sự

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh
Quảng Cáo
   

​​​  ,

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready