Tọa đàm khoa học về tác động của chính sách đối với ngôn ngữ dân tộc thiểu số tại tỉnh Đắk Lắk (03/04/2018, 13:40)

Sáng 03/4, Ban Dân tộc phối hợp với Viện Ngôn ngữ học tổ chức Tọa đàm khoa học tác động của chính sách đối với ngôn ngữ dân tộc thiểu số đến các cơ quan thực thi chính sách và cư dân các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Tham dự buổi Tọa đàm có PGS.TS Đoàn Văn Phúc – Chuyên viên cao cấp Viện Ngôn Ngữ học; ông Y Ring Adrơng – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Sở, ngành, trí thức người Êđê, M’Nông trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu tham gia buổi Tọa đàm

Theo báo cáo của Viện Ngôn ngữ học, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với ngôn ngữ nói chung và ngôn ngữ dân tộc thiểu số nói riêng đã có từ năm 1930. Hiện nay, chính sách này đã được Đảng, Chính phủ luôn quan tâm hoàn thiện và góp phần thiết thực vào việc xây dựng con người Việt Nam mới, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi chính sách ngôn ngữ vẫn phát sinh nhiều bất cập. Do đó, buổi Tọa đàm đã tập trung bàn thảo nhiều vấn đề trọng tâm như: việc bảo tồn và phát huy vai trò của ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong thời kỳ hội nhập; vấn đề dạy học ngôn ngữ và chữ viết các dân tộc thiểu số tại các địa phương; làm rõ những tồn tại của địa phương trong việc tổ chức thực hiện chính sách đối với ngôn ngữ dân tộc thiểu số.

PGS.TS Đoàn Văn Phúc – Chuyên viên cao cấp Viện Ngôn Ngữ học phát biểu tại Tọa đàm

Riêng tại Đắk Lắk, từ năm 1981-1982 tỉnh đã biên soạn chương trình song ngữ tiếng Êđê - Việt  vào giảng dạy ở các cấp học. Đến năm 1995, việc dạy tiếng dân tộc đưa vào giảng dạy như 1 môn học.Tính đến nay, số lượng trường học tham gia đào tạo tiếng Êđê đã tăng lên đáng kể. Riêng ngôn ngữ tiếng M’Nông chỉ dạy cho cán bộ, công chức chưa được đưa vào giảng dạy tại các trường do chưa có sách giáo khoa.

Ông Y Rinh Adrơng – Trưởng Ban Dân tộc phát biểu tại buổi Tọa đàm

Để chính sách ngôn ngữ dân tộc thiểu số đáp ứng nhu cầu cư dân bản địa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đại diện Sở, ngành đã trao đổi về những tồn tại và đề xuất Viện Ngôn ngữ tích cực tham mưu Chính phủ quan tâm hoàn thiện bộ sách đào tạo tiếng M’Nông; mở mã ngành đào tạo sư phạm tiếng Êđê; kêu gọi chuyên gia tham vấn thêm về chương trình giáo dục ngôn ngữ dân tộc thiểu số cho học sinh và cán bộ tại địa bàn…

Tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung – Giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên tham gia ý kiến tại buổi Tọa đàm

Được biết, sau buổi Tọa đàm, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Ngôn ngữ học sẽ tổ chức đi điều tra, khảo sát thực tế tại một số địa bàn để đưa ra hướng tham vấn sát với yêu cầu thực tiễn thực thi chính sách đối với ngôn ngữ dân tộc thiểu số của tỉnh, đảm bảo tiêu chí người dân được hưởng lợi nhiều hơn từ các chính sách mới liên quan.

Kim Bảo

Các tin khác
Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh
Quảng Cáo
   

​​​  ,

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready