Thời gian được tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo (20/03/2018, 08:28)

Bà Thu Mai ký hợp đồng giáo viên mầm non tháng 7/2012, đóng bảo hiểm từ tháng 8/2012. Tháng 10/2013, bà được vào biên chế. Tháng 7/2017, bà sinh con. Bà Mai hỏi, thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên của bà từ khi nào? Bà được hưởng mức phụ cấp 5% từ tháng 2/2018 hay tháng 7/2018?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề bà Mai hỏi như sau:

Tại Điều 3 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo, quy định: Nhà giáo đủ 5 năm (60 tháng) giảng dạy, giáo dục được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%.

Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng BHXH, BHYT, BHTN.

Theo các Điểm a, b, đ, Khoản 1, Điều 2 Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn về thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên quy định tại Điều 2 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP thì, thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên được xác định bằng tổng các thời gian sau:

- Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng BHXH bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập.

- Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng BHXH bắt buộc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập mà trước đây đã giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập).

- Thời gian quy định tại các Điểm a, b khoản này không bao gồm thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên quy định tại Khoản 3, Điều 2 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP, là:

+ Thời gian tập sự, thử việc hoặc thời gian hợp đồng làm việc lần đầu.

+ Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên.

+ Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về BHXH.

Qua thông tin bà Thu Mai cung cấp, tháng 7/2012 bà ký hợp đồng làm giáo viên mầm non, đóng BHXH từ tháng 8/2012. Tháng 10/2013 được vào biên chế. Tháng 7/2017 nghỉ sinh con, sau thời gian nghỉ sinh con trở lại trường tiếp tục giảng dạy.

Nhận thấy, thời gian từ tháng 7/2012 đến hết tháng 9/2013 là thời gian bà Mai  làm việc theo chế độ hợp đồng giao kết lần đầu, tương tự thời gian tập sự. Thời gian này không được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 2 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP.

Đối chiếu các quy định và hướng dẫn nêu trên, thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề của bà Mai được tính từ khi quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non (biên chế) đối với bà có hiệu lực (tháng 10/2013).

Đến tháng 7/2017 bà Mai nghỉ sinh con, mà sau đó trở lại làm việc đúng hạn, thời gian nghỉ thai sản không vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về BHXH, thì thời gian nghỉ thai sản vẫn được tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Như vậy, tính đến tháng 10/2018 bà Mai sẽ đủ 5 năm (60 tháng) giảng dạy, được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% của mức lương hiện hưởng; từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%.

Theo chinhphu.vn

Các tin khác

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready