Kết nối việc làm cho lao động các buôn làng vùng sâu ở Đắk Lắk (15/08/2024, 21:42)

Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk về tận buôn, làng vùng sâu, vùng xa - nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để mở các sàn giao dịch việc làm. Nỗ lực này nhằm giúp người dân, đặc biệt là những trường hợp khó khăn sớm tìm kiếm được việc làm ổn định, nâng cao thu nhập.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk thông tin cho người lao động về nhu cầu tuyển dụng lao động nông thôn

Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) đang phối hợp với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện Ea Súp, Krông Bông, Lắk, Buôn Đôn và M’Drắk tổ chức các Hội nghị tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước và xuất khẩu lao động tại 15 buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Tại mỗi địa phương, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk tổ chức hội nghị tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước và xuất khẩu lao động trực tiếp tại 3 buôn tập trung đông người dân tộc thiểu số và có nhu cầu tìm kiếm việc làm nhiều.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk tuyên truyền phổ biến các chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; cung cấp thông thị trường lao động trong nước, ngoài nước. Trên cơ sở đó, người lao động lựa chọn công việc phù hợp, Trung tâm sẽ hướng dẫn các nội dung làm hồ sơ để ứng tuyển vào các vị trí công việc phù hợp.

Nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động dân tộc thiểu số đào tạo tay nghề tại chỗ và bố trí việc làm với mức lương cao để công nhân yên tâm làm việc

Ngoài ra, một số đơn vị, doanh nghiệp uy tín được cấp phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có nhu cầu tuyển dụng lao động do Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk kết nối tham gia hội nghị cũng sẽ giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động. 

Ông Lê Hải Lý, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk cho biết, tất cả những nội dung phổ biến trên được phiên dịch sang tiếng Êđê để bà con các buôn nắm bắt đầy đủ, trọn vẹn thông tin.

Sau khi tổ chức thí điểm ở 5 huyện, sau đó đơn vị tham mưu Sở LĐ-TBXH  tổ chức đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó nhân rộng cách làm này. Qua đó góp phần tạo cơ hội để người lao động trên địa bàn huyện, đặc biệt là chú trọng tư vấn cho người dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, các thôn, buôn tập trung nhiều người dân tộc thiểu số tìm kiếm được việc làm phù hợp nhằm ổn định công việc, nâng cao chất lượng cuộc sống; thụ hưởng đầy đủ các chế độ chính sách của nhà nước đối với đồng bào dân tộc.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH may mặc Able Joy Đắk Lắk- KCN Hòa Phú

Anh Y Thul (huyện Lắk) chia sẻ: “Tôi tham dự chương trình đã được nghe nhiều thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp, bản thân muốn tìm việc tại tỉnh để thuận tiện về thăm gia đình thường xuyên”.

Theo Anh Y Thul, việc cơ quan chức năng tổ chức sự kiện tìm việc làm ở tận các thôn, buôn giúp ích rất nhiều cho người lao động đang thất nghiệp tại địa phương. Hoạt động này cũng giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và mở ra cơ hội việc làm, từng bước ổn định cuộc sống.

Theo Sở LĐ,TB&XH, kết quả giải quyết việc làm của tỉnh trong thời gian qua khá khả quan. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 16.300 lao động được giải quyết việc làm, bằng 53,97% kế hoạch (KH); trong đó xuất khẩu 600 lao động, đạt 35,2% KH.

Có được kết quả trên là nhờ tỉnh ta đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ việc làm của Đảng, Nhà nước để người lao động nắm bắt; kêu gọi, thu hút nhiều nhà đầu tư đến tỉnh xây dựng dự án, thành lập doanh nghiệp (DN) tạo việc làm cho người lao động; tăng cường khảo sát, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của DN giúp tư vấn giới thiệu việc làm phù hợp cho người lao động; đưa người lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng về hỗ trợ việc làm cho người lao động.

Lãnh đạo Sở LĐTB&XH cho hay, năm 2024, tỉnh phấn đấu tạo việc làm cho hơn 30.000 người lao động tại địa bàn, đặc biệt là đồng bào DTTS. Tỷ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị đạt 2,45%.

để đạt được mục tiêu này, các cơ sở đào tạo nghề cần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của DN, đào tạo theo đơn đặt hàng, nhu cầu thực tế của DN; về phía người lao động cần rèn luyện, trau dồi trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng nghề và tích cực, chủ động tìm kiếm việc làm, chấp nhận làm việc trái nghề khi cần thiết.

Đặc biệt nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để tư vấn, giới thiệu, cung ứng lao động.

Bên cạnh đó, các cấp ngành, địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động biết, hiểu rõ chính sách hỗ trợ vay vốn của Nhà nước. Từ đó, tiếp cận được nguồn vốn vay đúng đối tượng, trong đó chú trọng đến nguồn vốn cho vay đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng.

Kim Bảo

Quảng Cáo
   

​​​  ,

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready