Tạo bứt phá trong công tác xuất khẩu lao động (04/09/2024, 21:00)

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện đưa gần 1.000 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 58,9% kế hoạch năm.

Xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Những năm gần đây, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk tổ chức phỏng vấn, kiểm tra tay nghề lao động

Đầu tháng 8.2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk đã phối hợp với một doanh nghiệp đóng chân tại địa bàn Hà Nội tổ chức phỏng vấn, kiểm tra tay nghề lao động đi làm việc có thời hạn tại thị trường Algeria. Đợt này tỉnh Đắk Lắk có 9 lao động có nhu cầu sang thị trường Algeria làm ngành nghề xây dựng có thời hạn.

Lãnh đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk cho rằng, công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài được tỉnh quan tâm thực hiện và đạt kết quả đáng kể.

Từ đó, người lao động tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ông Lê Hải Lý – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk cho biết, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động người dân tộc thiểu số xuất khẩu lao động, Trung tâm phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH các huyện: Ea Súp, Krông Bông, Lắk, Buôn Đôn, M’Drắk tổ chức 14 hội nghị tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước và XKLĐ tại các buôn có đông đồng bào DTTS sinh sống. Bình quân mỗi buôn có hơn 80 người dân tham gia. Kết thúc chuỗi hoạt động, có 225 người lao động ở 14 buôn quan tâm, tìm hiểu việc làm trong nước và có mong muốn được đi XKLĐ.

Đến nay, có 9 người đăng ký đi XKLĐ, trong đó 4 lao động người DTTS của huyện M’Drắk đã hoàn thiện hồ sơ nhập học tại TP. Hồ Chí Minh để sớm sang Nhật Bản làm việc sau khi được Trung tâm hỗ trợ làm Lý lịch tư pháp và phối hợp với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh) hỗ trợ làm hộ chiếu phổ thông nhanh chóng, thủ tục đơn giản nhằm bảo đảm điều kiện cần thiết trước khi tham gia XKLĐ.

Trước khi đi xuất khẩu lao động, người dân ở Đắk Lắk được hướng dẫn, đào tạo kỹ về nghề nghiệp.

Bà Trần Thị Minh Lý - Trưởng phòng Lao động, Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk) thông tin, Giai đoạn 2024 - 2026, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đưa 7.500 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (năm 2024 là 2.000 lao động; năm 2025 là 2.500 lao động và năm 2026 là 3.000 lao động). 

Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực theo hướng chuyên sâu, hiện đại đáp ứng với yêu cầu của thị trường lao động, gắn với định hướng và nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh.

 Tỉnh Đắk Lắk tập trung đào tạo nâng cao tay nghề lao động, phấn đấu đưa 7.500 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Cơ quan chức năng sẽ tăng cường tuyển sinh các nghề trọng điểm, các nghề được chuyển giao từ Úc, các ngành nghề đã được đầu tư từ nguồn vốn nước ngoài; gắn sâu sắc đào tạo nghề với giải quyết việc làm đáp ứng nhu cầu xã hội và doanh nghiệp, xuất khẩu lao động nhằm đảm bảo lao động tìm kiếm việc làm ổn định.

"Các địa phương trong tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, tập trung về đặc sắc về hình ảnh, đa dạng hình thức, nâng tầm quy mô và chất lượng; đặc biệt đối với công tác tuyên truyền phân luồng, định hướng giáo dục nghề nghiệp nhằm gieo hạt, xây dựng và lan tỏa phong trào “Giáo dục nghề nghiệp là con đường tạo dựng nghề nghiệp tiên quyết” trong thanh niên", bà Lý nói thêm.

Chị Nguyễn Thị Mai (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) cho hay, tôi có người con đi xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật Bản. Được sự đồng hành của cơ quan chức năng, gia đình rất yên tâm khi con đi làm việc ở nước ngoài, thu nhập chế độ ổn định góp phần hỗ trợ cho phát triển kinh tế của gia đình.

Hiện nay, xuất khẩu lao động vẫn là kênh thoát nghèo bền vững của nhiều lao động, nhất là lao động người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho lực lượng lao động của tỉnh, đặc biệt là lực lượng thanh niên, bộ đội xuất ngũ, sinh viên, học viên tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp… Người lao động sẽ có việc làm ổn định, tiến tới việc làm bền vững, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Kim Bảo

Quảng Cáo
   

​​​  ,

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready