Hội nghị triển khai mô hình lồng ghép tiêm chủng mở rộng và quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm. (16/05/2023, 14:45)

Sáng 16/5,  Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội nghị triển khai mô hình lồng ghép tiêm chủng mở rộng và quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm.

Quang cảnh hội nghị

Tham dự Hội nghị có TS. Viên Chinh Chiến- Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên; Bà H’Yim Kđoh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; TS Angela Pratt- Trưởng đại diện Văn phòng tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam; Trung tâm CDC tỉnh Đắk Lắk và trạm y tế các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

TS. Viên Chinh Chiến- Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên báo cáo kế hoạch triển khai mô hình

Tại hội thảo, các đại biểu đã được các chuyên gia y tế giới thiệu tóm tắt mục đích mục tiêu mô hình lồng ghép giữa tiêm chủng ngoài trạm và các hoạt động quản lý bệnh không lây nhiễm thực hiện tại 22 xã thuộc 5 huyện Ea H’Leo, Krông Bông, Cư M’Gar, M’Drắk, Ea Súp. Đồng thời giới thiệu kế hoạch triển khai vai trò của UBND tỉnh, WHO, Viện vệ sinh dịch tể Tây Nguyên, Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC), trung tâm y tế các huyện, trạm y tế xã, phường trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong quá trình thực hiện.

Bà H’Yim Kđoh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Theo đó, mô hình sẽ tập trung đánh giá nhanh hiện trạng tỷ lệ tiêm chủng và các hoạt động sàng lọc tiền huyết áp, đánh giá nguy cơ tiểu đường; Nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia mô hình; Triển khai mô hình lồng ghép tiêm chủng ngoài trạm với sàng lọc tiền huyết áp/đánh giá nguy cơ tiểu đường; Đánh giá bước đầu kết quả hoạt động lồng ghép; Tổ chức Hội thảo phổ biến kết quả triển khai mô hình. Tổ chức y tế thế giới sẽ hỗ trợ kinh phí triển khai các hoạt động; phối hợp với Viện VSDT Tây Nguyên trong theo dõi, điều hành hoạt động; Giám sát triển khai một số hoạt động của dự án (đánh giá ban đầu, hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật...).

TS Angela Pratt- Trưởng đại diện Văn phòng tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

TS Angela Pratt- Trưởng đại diện Văn phòng tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, mục tiêu thí điểm mô hình nhằm nâng cao tỷ lệ tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng chiến dịch; Tăng cường công tác sàng lọc và quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp, đái tháo đường); Mở rộng hoạt động quản lý, điều trị và thống kê báo cáo bệnh không lây nhiễm; Đánh giá tính khả thi, tính hiệu quả, tính chấp nhận của mô hình lồng ghép và xem xét mở rộng lồng ghép tiêm chủng với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu khác.

Cán bộ y tế cơ sở tham gia ý kiến

Phát biểu tại Hội nghị, bà H’Yim Kđoh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh kỳ vọng mô hình lồng ghép tiêm chủng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân góp phần cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở vùng khó khăn. Đề nghị Sở Y tế phối hợp tuyến y tế cơ sở chủ động tháo gỡ khó khăn quyết liệt triển khai mô hình hiệu quả.

UBND tỉnh tiếp tục phối hợp điều phối các hoạt động bám sát mục tiêu Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên và tổ chức WHO đã đề ra để nâng cao năng lực cho đội ngũ y tế toàn tỉnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong công tác y tế dự phòng nói chung và công tác tiêm chủng mở rộng, kiểm soát bệnh không lây nhiễm nói riêng, góp phần đảm bảo mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, Đắk Lắk đã tích cực chỉ đạo các đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện các chương trình tiêm chủng, tuy nhiên các chỉ tiêu tiêm chủng cũng chưa đạt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở trẻ em dưới 1 tuổi năm 2022 là 88.4% chưa đạt chỉ tiêu quốc gia đề ra. Tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng cũng chưa đạt chỉ tiêu. Đặc biệt, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin COVID-19 còn thấp: Tỷ lệ tiềm mũi 4 cho các đối tượng trên 18 tuổi, có nguy cơ cao mới chỉ đạt 74,6%, tỷ lệ tiêm mũi 2 cho trẻ em 5-11 tuổi mới chỉ đạt 64,3%. Người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó tiếp cận với dịch vụ tiêm chủng nói riêng và dịch vụ y tế nói chung.

Công tác phát hiện và quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm trên địa bàn cũng đạt thấp, tỷ lệ phát hiện bệnh tăng huyết áp mới đạt 18,5% và bệnh đái tháo đường là 36,4%. Từ thực tiễn như vậy, tỉnh rất cần các giải pháp căn cơ để đầy mạnh các chính sách, chương trình, hoạt động, để khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả tiêm chủng của tỉnh trong thời gian tới.

Dịp này, các đại biểu cũng trao đổi về khó khăn trong triển khai mô hình, đề xuất những giải pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai mô hình lồng ghép tiêm chủng mở rộng và quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm đặc biệt là bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường, tại các điểm tiêm chủng ngoài trạm cho cán bộ y tế thuộc trạm y tế, trung tâm y tế huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh Đắk Lắk.

*Buổi chiều, Đoàn chuyên gia của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên và Tổ chức WHO sẽ đi thực tế tại Trạm y tế xã Yang Ré- Huyện Krông Bông và Trạm Y tế xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn.

 

Kim Bảo

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh
Quảng Cáo
   

​​​  ,

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready