Sáng 19/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số với các đồng chí Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; các đồng chí Bộ trưởng, trưởng ngành, các thành viên Ủy ban Quốc gia và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hội nghị được kết nối trực tuyến với điểm cầu UBND 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số điểm cầu chính
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo CĐS tỉnh Nguyễn Tuấn Hà và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành địa phương.
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cho biết, theo đánh giá của thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam tăng dần qua các năm. Nếu năm 2020, Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số, thì năm 2021 đứng thứ 3 và hai năm tiếp theo 2022, 2023 đứng thứ 1. Về xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 25/194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng, đứng thứ 7 trong khu vực châu Á-Thái Bình dương, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN.
Các đại biểu tham dự điểm cầu tỉnh Đắk Lắk
Còn theo đánh giá của Việt Nam, chỉ số chuyển đổi số quốc gia (DTI) tăng đều qua các năm, đến năm 2022 đạt 0,71 điểm; các chỉ số thành phần về Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao từ 45%-55%. Về giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp từ năm 2020 đến nay có bước tăng trưởng đột phá, đến nay đạt 55%, tăng gấp 5 lần so với cả giai đoạn 10 năm trước đó; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến hiện đạt 43% (tăng hơn 8 lần so với năm 2019)...
Về phát triển xã hội số, giai đoạn 2022-2024, tỷ lệ người dân ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử tăng từ mức 3% lên 13,5%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 87,07% (tăng thêm 20% từ mức tỷ lệ của năm 2020).
Về phát triển công dân số, đến tháng 12/2023, Bộ Công an đã cấp trên 84,7 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip; đã kích hoạt trên 45 triệu tài khoản định danh; ứng dụng VNeID đã được tích hợp thêm các tiện ích: sổ sức khỏe điện tử, giấy phép lái xe, ví điện tử, kê khai, đăng ký, nộp thuế, thông tin sổ bảo hiểm xã hội và nhiều tiện ích khác…
Sau hơn 2 năm triển khai Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030", các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo, thực hiện, hoàn thành 245 nhiệm vụ, thực hiện thường xuyên 122 nhiệm vụ, đang triển khai 238 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ Công tác đã giao; 43/76 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân đã được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong đó có 36 dịch vụ công được thực hiện toàn trình.
Giám đốc Sở TT&TT Trương Hoài Anh phát biểu tại hội nghị
Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được quan tâm chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt. Đã tạo lập và ngày càng hoàn thiện kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia, hướng tới xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương, đồng bộ trên 670 triệu thông tin công dân để làm giàu dữ liệu dân cư, cập nhật thường xuyên "đúng, đủ, sạch, sống", góp phần tiết kiệm, chống lãng phí và ngày càng hoàn thiện các cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chuyển đổi số là một trong những động lực trong phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là lựa chọn chiến lược trong quá trình phát triển. Dù đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng để chuyển đổi số hiệu quả phải có sự tham gia của toàn dân, toàn diện, trong đó vai trò người đứng đầu rất quan trọng để chỉ đạo thúc đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số cấp mình.
Nhiệm vụ trong thời gian tới, theo Thủ tướng Chính phủ, điều quan trọng nhất có tính quyết định nhất, mang tính chiến lược, lâu dài, cơ bản là các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải tiên phong, gương mẫu để thúc đẩy chuyển đổi số trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình về quản lý với quyết tâm cao nhất. Đồng thời tập trung phát triển nhân lực số, công dân số, kỹ năng số và tài năng số. Ưu tiên nguồn lực để phát triển cho chuyển đổi số, kinh tế số, con người số, xã hội số. Phát triển hạ tầng số toàn diện, phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả. Quản lý điều hành phải số hóa và sử dụng trí tuệ thông minh.
Khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách, thể chế cho chuyển đổi số theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, phát huy sáng tạo của các cấp, các ngành. Tăng cường phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi cho cấp dưới. Đẩy mạnh việc giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; xóa bỏ cơ chế xin cho và chống tham nhũng, tiêu cực trong chuyển đổi số.
Trong quá trình thực hiện phải mạnh dạn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; tăng tốc bức phá với khí thế tiến công mạnh mẽ với tinh thần "5 đẩy mạnh", "5 đảm bảo" gắn với "5 không": Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm, không bàn lùi chỉ bàn làm; không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia; không dùng tiền mặt, hướng tới mọi giao dịch điện tử; không giấy tờ hướng tới số hóa quản lý; không để người dân, doanh nghiệp mất nhiều thời gian, công sức, kinh phí.
Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ: Phấn đấu hết 2024 đạt 80% dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 40% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến, 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về giải quyết thủ tục hành chính; đến năm 2025 đạt 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân.
Các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành, địa phương và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia. Chú trọng đầu tư cho phát triển hạ tầng số tương xứng với tầm quan trọng, quan điểm là "hạ tầng số phải phát triển, đi trước một bước"...
Tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Chính phủ một số nội dung Đắk Lắk mong muốn Tổ đề án 06, Bộ TTT&TT có những định hướng lớn, căn bản trong vấn đề CĐS để địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả; thống nhất triển khai các nền tảng dùng chung, cơ sở hạ tầng từ 4 cấp để tránh lãng phí, trùng lặp; có cơ chế chính sách để thu hút, phát huy tốt đội ngũ làm công tác CĐS, đặc biệt là cán bộ chất lượng cao về công tác tại tỉnh để bảo đảm thực hiện có hiệu quả chương trình CĐS tỉnh Đắk Lắk nói riêng, CĐS quốc gia nói chung. |
Kim Bảo
- Phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2025 (02/12/2024, 20:47)
- Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 27 (mở rộng) (02/12/2024, 11:19)
- Giải đua xe đạp “Về nguồn” năm 2024: Huyện Cư M’gar nhất toàn đoàn (01/12/2024, 17:56)
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, tổng kết Nghị quyết của Đảng (01/12/2024, 14:33)
- Xuất khẩu container cà phê thành phẩm đầu tiên của nhãn hiệu Miss Ede đến Hoa Kỳ (01/12/2024, 14:26)
- Chương trình “Về nguồn” năm 2024: Hơn 300 triệu đồng hỗ trợ công tác an sinh xã hội tại vùng căn cứ cách mạng Ea Mdroh (30/11/2024, 22:35)
- Chương trình “Tình nguyện mùa đông năm 2024” (30/11/2024, 16:20)
- Đại hội Hội doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk khóa VIII, nhiệm kỳ 2024 – 2027 (30/11/2024, 07:59)
- Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND (29/11/2024, 15:52)
- Mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (29/11/2024, 11:29)
- Triển khai kiểm kê rừng tại các tỉnh vùng Tây Nguyên (28/11/2024, 18:58)